Tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

(BKTO) - Cập nhật tình hình thực hiện giải ngân 7 tháng và ước giải ngân 8 tháng đầu năm 2020, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến ngày 31/8/2020 sẽ là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%), trong đó, vốn ngân sách trung ương (NSTƯ) đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.




Cần tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền để thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: P.Tuân

Chậm tiến độ do nhiều khâu

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, năm 2020, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN được Quốc hội thông qua là 470.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 60.000 tỷ đồng; tỷ lệ vốn đầu tư của các Bộ, cơ quan T.Ư chiếm 22,9% và vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1%. Bên cạnh đó, trên cơ sở các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ năm 2020 từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi NSTƯ năm 2018, 2019 cho các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương là 6.973 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm này, chỉ có 38 Bộ, cơ quan T.Ư và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 Bộ, cơ quan T.Ư và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 9 Bộ, cơ quan T.Ư và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.

Tính đến nay, đã có 52/53 Bộ, cơ quan T.Ư và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020 tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công. Tuy vậy, tổng số vốn NSNN mà các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng). Số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 22.081 tỷ đồng, trong đó NSTƯ là 15.825 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 6.256 tỷ đồng.

Bộ KH&ĐT cũng cho biết, hiện nay, có 9 Bộ, cơ quan T.Ư và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng (vốn trong nước là 342 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 5.996 tỷ đồng). Đồng thời, Bộ KH&ĐT nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ năm 2020 của 7 Bộ, cơ quan T.Ư và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng.

Chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong tháng 7 và tháng 8, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến đáng mừng ở phần lớn các Bộ, ngành, địa phương. Phần lớn các Bộ, ngành, địa phương đều cam kết quyết tâm giải ngân từ 95 - 100% vốn đầu tư công, nhất là những địa phương có số vốn lớn như: TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, vẫn có những hạn chế cần tập trung khắc phục trong những tháng cuối năm để giải ngân được 100% số vốn kế hoạch. Đó là việc giao kế hoạch vốn còn bất cập. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều nơi thực hiện còn chậm, đây là nút thắt lớn cần phải tháo gỡ. Quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng, thanh quyết toán còn phức tạp, nhiều nơi cán bộ, công chức, chủ đầu tư, nhà thầu còn thiếu trách nhiệm.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm thường do công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu và do một số nguyên nhân chủ quan như công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả. Đối với các dự án giải ngân nguồn vốn ODA, nhiều dự án đang phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Bên cạnh đó, do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn, giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đều chậm lại.

Để thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền. Việc giải ngân cần kịp thời nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tham nhũng, tiêu cực; không để xảy ra tình trạng thanh toán khối lượng khống, làm xấu, làm ẩu để có khối lượng mà bỏ qua quy trình kỹ thuật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh, đối với các dự án đã hoàn thành, cần đẩy nhanh công tác quyết toán. Đối với dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020 thì tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh quyết toán vốn cho nhà thầu. Đối với dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2020, tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng để đủ điều kiện thanh toán cho nhà thầu. Đối với dự án khởi công mới, khẩn trương lập hồ sơ thiết kế và dự toán, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, sớm thi công. Đồng thời, cần bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA.

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
  • Hỗ trợ hiệu quả cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến tình hình sản xuất kinh doanh của DN và công ăn việc làm của người lao động (NLĐ) tiếp tục bị ảnh hưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa đề xuất gói hỗ trợ lần hai cho DN và NLĐ gặp khó khăn. Đồng thời, cơ quan này cũng đề xuất sửa đổi các quy định về điều kiện hưởng hỗ trợ, nhằm tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng.
  • Dịch COVID-19: Cùng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục trong bối cảnh “Đứt cung – Gãy cầu”
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Dịch COVID-19 có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2021, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân xác định “sống chung với dịch”. Trước thực tế này, dịch COVID-19 chính là “hiểm họa” của các doanh nghiệp khi dịch tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, vấn đề tìm “lối ra" đang là “bài toán” nan giải đối với các doanh nghiệp.
  • Xác minh thông tin điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm thép hình chữ H
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO)- Bộ Công Thương cho biết, liên quan đến việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Malaysia, tới đây Bộ sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc.
  • Liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng:  Bất cập về hạ tầng
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tai nạn giao thông (TNGT) trong 7 tháng năm 2020 đã giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, hàng loạt vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người thương vong lại liên tiếp xảy ra. Theo phân tích của nhiều chuyên gia giao thông, ngoài những nguyên nhân cố hữu thì cũng không ít vụ TNGT có nguyên nhân do bất cập về hạ tầng.
  • Bán lẻ Việt Nam chuyển dịch theo xu hướng tiêu dùng mới
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Đại dịch Covid-19 đã khiến mức độ quan tâm về sức khỏe tăng cao và làm thay đổi xu hướng tiêu dùng hằng ngày của người dân. Theo đó, tiêu dùng an toàn và tăng cường mua sắm qua nền tảng thương mại điện tử là hai xu hướng phổ biến nhất, tác động đáng kể đến thị trường bán lẻ trong nước. Đây chính là thời điểm để các DN bán lẻ kiểm định lại sở thích và thói quen người tiêu dùng, từ đó cân nhắc, lựa chọn kênh bán hàng phù hợp.
Tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công