Tiến tới hình thành và phát triển thị trường carbon

(BKTO) - Để giảm phát thải khí nhà kính (KNK) với chi phí hiệu quả nhất, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang lựa chọn công cụ định giá carbon. Bắt nhịp với xu hướng này, Việt Nam cũng đang trong quá trình tăng cường năng lực xây dựng các công cụ thị trường, tạo điều kiện cho việc hình thành thị trường carbon.




Việt Nam chuẩn bị hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước. Ảnh tư liệu

Tạo tiền đề hình thànhcác chính sách định giá carbon

Nghị định thư Kyoto về cắt giảm phát thải KNK năm 1997 đã tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển thị trường carbon - một loại hàng hóa đặc biệt. Để xác định giá trị của lượng phát thải giảm được, các quốc gia đã định giá carbon thông qua các công cụ tài chính phổ biến là thuế, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.

Thế giới hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon với tổng lượng KNK được kiểm soát là 12 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải KNK toàn cầu. Năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu là 45 tỷ USD. Đến nay, có hơn 14.500 công ty, cơ sở tham gia định giá carbon và tạo ra hơn 4 tỷ tín chỉ carbon. Mục tiêu của định giá carbon là hạn chế việc phát thải KNK hiệu quả thông qua sử dụng các cơ chế thị trường để chuyển chi phí phát thải cho các nguồn phát thải theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Việc này giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, góp phần tạo doanh thu và thúc đẩy đổi mới công nghệ tại các cơ sở phát thải KNK.

Năm 2012, Việt Nam trở thành thành viên của Chương trình sẵn sàng tham gia thị trường carbon quốc tế. Năm 2015, Dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam (VNPMR) được triển khai nhằm tăng cường năng lực xây dựng các công cụ thị trường, tạo điều kiện cho việc hình thành thị trường carbon ở Việt Nam. Trong khuôn khổ Dự án VNPMR, nhiều nghiên cứu chuyên sâu đã được thực hiện nhằm đề xuất chính sách, công cụ quản lý nhà nước về thị trường carbon, bao gồm cơ chế tạo tín chỉ, hệ thống giao dịch phát thải (ETS), phí/thuế và cơ chế chứng chỉ xanh. Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, qua 5 năm triển khai, Dự án VNPMR đã cơ bản hoàn thành với những đóng góp từ các nghiên cứu thí điểm tại một số ngành như: sản xuất thép, quản lý chất thải rắn. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để Việt Nam tiến tới hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước cũng như tham gia thị trường carbon thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Giám đốc Dự án VNPMR - ông Nguyễn Tuấn Quang - cho biết, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu sắp bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris kể từ năm 2021 trở đi, trong đó có cam kết về giảm phát thải KNK theo NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định). Việt Nam vừa hoàn thành việc cập nhật NDC và đã gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Mức đóng góp giảm nhẹ sẽ tăng lên 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi nhận được hỗ trợ quốc tế. Hiện thực hóa các mục tiêu này sẽ góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế theo hướng carbon thấp và phát triển bền vững.

Tiếp tục triển khai đồng bộmột số nội dung ưu tiên

Theo TS. Lương Quang Huy - điều phối viên Dự án VNPMR, để hình thành, phát triển thị trường carbon, Việt Nam phải đánh giá một cách toàn diện tác động đến kinh tế - xã hội, môi trường cũng như hoạt động của DN, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Việt Nam cũng cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống tương đối toàn diện, bắt đầu từ các hoạt động thí điểm, tiến tới vận hành đầy đủ thị trường carbon ở Việt Nam, kết nối với thị trường thế giới trong tương lai.

Nghiên cứu trong khuôn khổ Dự án VNPMR cho thấy, cần đầu tư thích đáng vào hệ thống thu thập, quản lý dữ liệu về kiểm kê KNK, giảm nhẹ phát thải. Việc huy động nguồn vốn đầu tư để tham gia thị trường carbon cần được thực hiện trên cơ sở nội lực của DN cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thực hiện theo lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường năng lực của các cá nhân, tổ chức thẩm định và các đơn vị thực hiện kiểm toán. Sự thiếu vắng các đơn vị thẩm định trong nước sẽ cản trở việc triển khai công cụ định giá carbon do làm tăng chi phí giao dịch và yêu cầu về thời gian.

Nhiều ý kiến cho rằng, để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, một số nội dung ưu tiên cần tiếp tục được triển khai đồng bộ như: xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê KNK, hệ thống giám sát phát thải KNK và hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải KNK cho từng ngành/tiểu ngành. Khi áp dụng dụng các công cụ định giá carbon, cơ quan chức năng cần đánh giá, phân tích đầy đủ các tác động cũng như cơ hội đối với kinh tế - xã hội và môi trường, từ đó, lựa chọn công cụ phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các quốc gia thành công trong lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon như: Nhật Bản, Canada; đồng thời tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng và DN về những vấn đề liên quan.

HỒNG ANH
Cùng chuyên mục
Tiến tới hình thành và phát triển thị trường carbon