Thúc đẩy việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong nông nghiệp tại Việt Nam

(BKTO) – Đây là tên gọi của Tọa đàm khoa học do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức chiều ngày 28/10.



Phát biểu tại Tọa đàm, PGS,TS. Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, bước vào giai đoạn phát triển mới, nông nghiệp đang trong quá trình chuyển mạnh sang kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Những chương trình tái cấu trúc kinh tế ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh kinh doanh nông nghiệp hàng hóa tiến tới nền nông nghiệp bền vững đã mang lại cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam những cơ hội mới để phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và các vấn đề xã hội.
                
   

Đại biểu trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm. Ảnh: neu.edu.vn

   

Do đó, những ý kiến trao đổi, kinh nghiệm được chia sẻ tài Tọa đàm nhằm hướng tới việc xây dựng nội dung về kinh doanh có trách nhiệm và đạo đức trong chương trình đào tạo ngành Kinh doanh nông nghiệp của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng như các cơ sở giáo dục đang đào tạo ngành nghề này.

Buổi Tọa đàm tập trung trao đổi và thảo luận xoay quanh các nội dung: quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam; đánh giá việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong các hợp tác xã DN nông nghiệp ở Việt Nam; phương thức sản xuất kinh doanh nông nghiệp hướng tới trách nhiệm xã hội và các bên liên quan; các nội dung về kinh doanh có trách nhiệm sẽ được thực hành và ứng dụng trong chương trình đào tạo của ngành kinh doanh nông nghiệp trong các trường đại học hiện nay.

Dẫn kết quả nghiên cứu đánh giá nhận thức và tình hình thực hiện các thực hành kinh doanh có trách nhiệm của DN tại Việt Nam năm 2020 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố trước đó, nhiều đại biểu nhận định, mức độ nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các DN ở Việt Nam đã có nhiều cải thiện, song để đáp ứng yêu cao hơn của quá trình hội nhập đòi hỏi các DN, đặc biệt là các DN tư nhân cần phải nâng cao hơn nữa vấn đề này.

Thông qua các nghiên cứu, đánh giá, các đại biểu thống nhất cho rằng, để thúc đẩy việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó bắt đầu từ công tác đào tạo trong nhà trường để giúp sinh viên hiểu rõ hơn về những giá trị đạo đức, trách nhiệm trong kinh doanh, từ đó hướng các em đến thực hành nghề nghiệp thông qua hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường, cũng như bước vào con đường nghề sau khi tốt nghiệp.

N.LỘC
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong nông nghiệp tại Việt Nam