Thị trường chứng khoán còn dư địa tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro

(BKTO) - Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” mới đây, các chuyên gia đồng quan điểm rằng, lạm phát thấp là cơ hội tốt cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong những tháng còn lại của năm nay.



                
   

Các đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: H. Nhung

   

Lạm phát thấp là cơ hội tốt cho thị trường

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - TS. Cấn Văn Lực - đánh giá, CPI 6 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ tăng 1,47% - mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Đó là cơ hội tốt cho nền kinh tế và TTCK Việt Nam.

Ông Lực dẫn chứng, một nghiên cứu gần đây của Citi Research cho thấy, ở Mỹ, nếu lạm phát bình quân chạy từ 1 - 3% thì đó là con số tuyệt vời cho định giá cổ phiếu theo chỉ số PE (thị giá trên thu nhập mỗi cổ phần). Chẳng hạn ở Mỹ, lạm phát chạy từ 1 - 3% thì hệ số PE là 18 lần còn nếu lạm phát tăng cao từ 5 - 8% thì hệ số PE chỉ được 10 - 12 lần. Như vậy, có thể thấy, nếu lạm tăng cao sẽ tác động tiêu cực đối với triển vọng phát triển của TTCK.

Đánh giá về sự tăng trưởng của TTCK thời gian qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam - TS. Nguyễn Sơn - bình luận: Mức tăng trưởng nóng của chỉ số chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm là sự tăng trưởng tốt, phù hợp vì mục tiêu kép Việt Nam đạt được là kiểm soát dịch bệnh, trong vòng 3 - 4 tháng đầu năm kiểm soát rất tốt. Tăng trưởng GDP thấp so với mục tiêu đặt ra nhưng so với các nước trong khu vực là ấn tượng.

Theo ông Sơn, dòng vốn dồi dào với mặt bằng lãi suất ổn định, khá thấp sẽ còn kéo dài trong một vài năm nữa vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa tăng lãi suất cơ bản, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ nguyên trong thời gian nữa và lãi suất thấp tiếp tục đi vào các khu vực của thị trường, bao gồm cả chứng khoán.

“Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện nay, dư nợ cho vay chứng khoán chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế - vẫn đang trong giới hạn kiểm soát, chưa phải nóng. Dòng tiền phát ra từ ngân hàng kiểm soát tốt, dòng vốn margin do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý cũng nằm trong tầm kiểm soát. Dòng tiền của khu vực dân cư trước đây đầu tư vào lĩnh vực khác tạm thời đưa vào chứng khoán tạo hiệu ứng tăng cho TTCK” - ông Sơn cho biết.

Nhà đầu tư cần thông thái và điềm tĩnh để đánh giá các rủi ro

Theo TS. Cấn Văn Lực, 6 tháng cuối năm 2021, nhiều ngành nghề, nhiều DN trên TTCK sẽ tiếp tục có triển vọng tăng trưởng tích cực. Tuy vậy, ông Lực cho rằng, chúng ta không thể chủ quan. Mọi hoạt động của thị trường cần được quan sát kỹ và đánh giá cẩn trọng, bởi thực tế vai trò hàn thử biểu của TTCK với nền kinh tế thực tương đối lỏng lẻo, không riêng Việt Nam mà cả thế giới cũng vậy.

Ông Lực phân tích, một khảo sát tại Mỹ đã chỉ rõ 4 rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư chứng khoán từ nay đến cuối năm. Đó là: Các nước đã bắt đầu thắt chặt các gói hỗ trợ cũng như chính sách tiền tệ và tài khóa; nhà đầu tư thế giới quan tâm lạm phát, lạm phát tăng thì rủi ro lãi suất có xu hướng tăng; chênh lệch sinh lời của DN bắt đầu co hẹp vì chi phí đầu vào tăng, trong khi giá cả đầu ra chưa tăng tương ứng, dần ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá chứng khoán; cuối cùng là thuế. Như ở Mỹ, năm tới, dự kiến thuế DN sẽ tăng. Những rủi ro trên sẽ tác động đến TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Riêng Việt Nam, theo ông Lực, các thành viên thị trường cần quan tâm thêm 2 rủi ro nữa, đó là: 90 - 95% nhà đầu tư hiện nay vẫn là nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, có tâm lý đám đông, hệ số đòn bẩy tài chính tương đối cao. Khi thị trường điều chỉnh, đối tượng này sẽ dễ có những phản ứng thái quá. Cùng với đó, không loại trừ một số DN hiện đang “té nước theo mưa”, tranh thủ cơ hội thị trường đánh bóng kết quả kinh doanh để phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

Từ phân tích trên, TS. Cấn Văn Lực nhận định, chỉ số chứng khoán Việt Nam có thể điều chỉnh giảm 7-10% sau khi đạt đỉnh trên 1.400 điểm, nhưng các nhà đầu tư cần bình tĩnh vì đây là điều chỉnh cần thiết để thị trường lành mạnh. Chưa kể, thị trường tăng mạnh khiến nhà đầu tư đang sống trong trạng thái đầy cảm xúc. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư cần thông thái và điềm tĩnh, bởi nếu thị trường có điều chỉnh, không điềm tĩnh sẽ dễ thất bại.

TS. Nguyễn Sơn đánh giá: “Với mức tăng trưởng hiện nay, chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng nữa”, đồng thời lưu ý, đây là giai đoạn chúng ta cần kiểm soát chặt dòng tiền, cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng vì tăng trưởng giá cổ phiếu phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh và giá trị cốt lõi của DN.

Chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với nhà đầu tư, việc “chọn mặt gửi vàng” là rất quan trọng. Nhà đầu tư nên tìm những mã cổ phiếu tốt, nhà phát hành có năng lực tài chính và không hành động theo đám đông. Đặc biệt, nhà đầu tư nên tự phân tích hoặc theo các nhà tư vấn để có quyết định sáng suốt./.
Bài và ảnh: HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Thị trường chứng khoán còn dư địa tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro