Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Nhiều thuận lợi song cũng không ít thách thức

(BKTO) - Công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng… sẽ là những động lực cho tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 và 2022. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn đứng trước những rủi ro, thách thức…



                
   

Theo ADB, chế biến chế tạo là một trong những động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021

   

Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố vào sáng nay, 28/4 cho biết.

Những động lực cho tăng trưởng

Theo Báo cáo ADO, năm 2020, GDP của Việt Nam tăng trưởng 2,9% - mức tăng trưởng thấp nhất của nước ta trong thập niên vừa qua. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm qua. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19.

Dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022 nhờ các yếu tố thuận lợi.
                
   

Nguồn: ADB

   

Cụ thể, theo dự báo của ADB, công nghiệp sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Khu vực này có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý I/2021, tăng 6,3% so với 3 tháng đầu năm 2020.

Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn sẽ làm tăng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Xây dựng sẽ tăng nhanh khi Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm 2021 và lãi suất thấp kích thích hoạt động xây dựng bất động sản.

Khu vực dịch vụ sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Khu vực nông nghiệp cũng sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm nay nhờ các cải cách cơ cấu được duy trì, cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu và giá lương thực toàn cầu cao hơn.

Đầu tư gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng then chốt trong năm nay và năm sau. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát COVID-19 và Luật Đầu tư ban hành tháng 01/2021 được kỳ vọng góp phần giảm bớt các rào cản về kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhờ đầu tư tư nhân, vốn đã tăng đáng kể, với yếu tố xúc tác là mặt bằng lãi suất thấp và chi tiêu công tăng.

Tiêu dùng cá nhân dự báo sẽ phục hồi song song với đầu tư tư nhân và lạm phát thấp. Bán lẻ tăng 5,1% trong quý I/2021 cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã phục hồi.

Thương mại sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021, được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và nhờ Việt Nam tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới.
                
   

Nguồn: ADB

   

Xuất khẩu hàng hoá sẽ tăng 8% trong năm nay và năm tới. Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện trong năm 2021 nhờ các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và nhu cầu tín dụng của DN phục hồi. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho đến hết năm 2021 để hỗ trợ DN chịu tác động của đại dịch COVID-19.

Còn nhiều rủi ro, thách thức
Báo cáo ADO cũng chỉ ra nhiều yếu tố không ủng hộ cho việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới như: sự gia tăng trên thị trường chứng khoán và bất động sản từ cuối quý I/2021, nguy cơ nợ xấu tăng khi đại dịch qua đi và lạm phát tăng nhẹ.
                
   

Nguồn: ADB

   

“Dự báo, lạm phát sẽ tăng nhẹ trong năm nay và tiếp tục tăng trong năm 2022, rủi ro bong bóng tài sản hiện hữu khi giá bất động sản ở các địa phương tăng nhanh trong thời gian qua. Do vậy, NHNN không cần nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nữa” - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries khuyến nghị.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của ADB, chính sách tài khoá sẽ tiếp tục mở rộng do nhu cầu chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc y tế và tiêm vaccine cũng như khả năng thực hiện hỗ trợ tài khoá bổ sung. Điều này có thể dẫn đến khả năng làm tăng thâm hụt tài khoá lên mức cao hơn mục tiêu bội chi ngân sách cho năm 2021 ở mức 4% GDP.

Rủi ro chính là đại dịch bùng phát trở lại do các biến thể corona virus mới và chậm trễ trong triển khai chương trình vaccine. Tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 không đồng đều trên toàn cầu có thể trì hoãn việc Việt Nam trở lại với mức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế.

Sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản nếu tín dụng không được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất.

Theo ADB, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia của ADB vẫn không khỏi quan ngại vì Việt Nam có biên giới giáp Lào, Campuchia - những nước đang chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh mới. Do vậy, vấn đề đầu tiên mà Việt Nam cần lưu lý là chính sách nhập cảnh.

Cùng với đó, thời gian tới, chính sách tiếp cận tín dụng đối với DN nhỏ và vừa, việc tiếp tục cho phép giãn, hoãn, miễn thuế cũng cần được Chính phủ lưu ý hơn. Theo ADB, để hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa một cách hữu hiệu, Việt Nam cần cân nhắc vai trò của các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp tín dụng cho DN. Việc chia sẻ rủi ro từ Chính phủ đối với các ngân hàng là chìa khóa mở ra cơ hội cho DN nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng./.
ĐỨC THÀNH
Cùng chuyên mục
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Nhiều thuận lợi song cũng không ít thách thức