Tăng tần suất bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá

(BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ phối hợp đồng bộ các giải pháp, tăng tần suất bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá.

   Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Ảnh:sbv.gov.vn
   


Trao đổi với báo chí mới đây, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết: Từ đầu năm 2022, thị trường quốc tế diễn biến phức tạp với nhiều biến động khó lường. Căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống kinh tế - tài chính toàn cầu, tác động mạnh lên giá năng lượng và các hàng hóa cơ bản, làm trầm trọng thêm hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các ngân hàng trung ương đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), tăng lãi suất điều hành nhằm kiểm soát áp lực lạm phát tăng cao kỷ lục trên toàn cầu. Thị trường tài chính tiền tệ biến động mạnh.

Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tiếp tăng lãi suất điều hành 3 lần chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022. Mức tăng lãi suất ngày 15/6 (0,75 điểm %) lớn nhất trong vòng 28 năm qua và dự kiến tiếp tục thắt chặt CSTT trong thời gian tới.

Đồng USD quốc tế tăng giá mạnh (chỉ số DXY tăng khoảng 10% từ đầu năm 2022) khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh. Những diễn biến trên tác động bất lợi tới cân đối cung cầu ngoại tệ và tâm lý thị trường trong nước, gây áp lực đối với sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Tỷ giá USD/VND không có xu hướng giảm như năm 2021 mà từ đầu năm 2022 đến nay tăng khoảng 2% so với cuối năm 2021.

Mặc dù vậy, theo ông Phạm Chí Quang, tỷ giá USD/VND hiện nay tăng khoảng 2% so với cuối năm 2021 là phù hợp với điều kiện, diễn biến thị trường trong, ngoài nước, phù hợp với mục tiêu xuyên suốt của điều hành CSTT là góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Thị trường ngoại tệ trong nước vẫn hoạt động ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá năng lượng và giá hàng hóa cơ bản tăng mạnh trước diễn biến quốc tế phức tạp.

Trong bối cảnh khó khăn, phức tạp, NHNN điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Từ đầu năm 2022, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VND dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND, qua đó hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về định hướng điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian tới, ông Phạm Chí Quang khẳng định: Ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là mục tiêu có tính nhất quán trong quá trình điều hành CSTT của NHNN, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng nhanh.

Do đó, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu này, đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, NHNN sẽ phối hợp điều hành đồng bộ thanh khoản VND để hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại tệ và mặt bằng lãi suất.

Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được NHNN mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường.

“NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế” - ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.


THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
  • Nông nghiệp, nông thôn phát triển chưa xứng với tiềm năng
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Từ kết quả cuộc điều tra về nông thôn, nông nghiệp quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc (8.297 xã, 20.611 trang trại và 1,6 triệu hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản), bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn nông thôn những năm qua đã được phác họa với nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
  • Quy định mới về rút tiền gửi trước hạn
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), khi rút trước hạn tiền gửi, tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng sẽ thỏa thuận để phù hợp với các quy định của NHNN đối với từng hình thức tiền gửi cụ thể.
  • Lương tăng, người lao động vẫn chưa hết lo
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6%. Đây là tin vui đối với người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, nhiều lao động vẫn chưa hết băn khoăn, lo lắng…
  • Cà Mau thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tỉnh Cà Mau đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là ngăn chặn tình trạng tàu khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.
  • Phấn đấu kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 15 tỷ USD trong năm 2022
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Việt Nam và Ấn Độ nhất trí cần triển khai các biện pháp để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 15 tỷ USD ngay trong năm 2022.
Tăng tần suất bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá