Tăng cường kết nối việc làm cho người lao động trong mùa dịch

(BKTO) - Có thể khẳng định, những hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tăng cường kết nối việc làm cho người lao động, nhất là những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trong mùa dịch, vừa là giải pháp căn cơ trước mắt, vừa là giải pháp thiết thực để chuẩn bị cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được phục hồi.



                
   

Giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh minh họa: TTXVN

   

Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Cao Bằng có khoảng 16.000 người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm của các lao động là người Cao Bằng tại các tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương nêu trên.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng cho biết, tính đến hết tháng 7/2021, Trung tâm đã tiếp nhận 1.116 hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó 1.100 người đủ điều kiện đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 13,9 tỷ đồng đã được thanh toán thông qua tài khoản của các cá nhân người lao động.

Đó là một phần kết quả hoạt động chính của Trung tâm, song song với đó, Trung tâm còn đẩy mạnh hoạt động kết nối việc làm cho người lao động như một giải pháp thiết thực góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong mùa dịch.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng đã phối hợp tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền về chính sách lao động việc làm, thông tin thị trường lao động, tư vấn việc làm, học nghề tại các huyện Thạch An, Hòa An, Quảng Hòa. Đồng thời tư vấn việc làm, học nghề, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 7.700 lượt người lao động và người sử dụng lao động. Kết quả, có 280 người đăng ký tìm việc làm, trong đó 200 người được giới thiệu việc làm, chủ yếu là tại các doanh nghiệp trong nước; số lao động do người sử dụng lao động đề nghị tuyển là 27.330 người.

Bà Đặng Thị Long Biên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, với phương châm “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn”, việc thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng ổn định sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp và ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Không dừng lại ở đó, Trung tâm còn đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức để hướng nghiệp cho các lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đơn cử như thời gian này, Trung tâm đang phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nguyên Bình mở lớp dạy nghề nấu ăn cho 15 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tích cực kết nối việc làm cho người lao động

Cách làm trên đây cũng là hướng đi của nhiều Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề việc làm của người lao động.
                
   

Thay vì kết nối giao dịch việc làm trực tiếp như trước đây (ảnh), các Trung tâm Dịch vụ việc làm đã chuyển sang hình thức kết nối trực tuyến. Ảnh minh họa: TTXVN

   

Nhận định dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khiến nhiều người lao động mất việc làm, hạn chế tiếp cận việc làm mới, trong vai trò cầu nối của người lao động và doanh nghiệp, các Trung tâm Dịch vụ việc làm đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đảm bảo quyền lợi của người lao động, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng tư vấn ngay từ khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Hoạt động được nhiều Trung tâm chú trọng là cung cấp thông tin thị trường lao động, thông báo vị trí việc làm trống để hỗ trợ cho người thất nghiệp tìm việc làm phù hợp với năng lực và tay nghề đã qua đào tạo. Hơn thế, trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhiều Trung tâm đã đẩy mạnh tư vấn trực tuyến qua các ứng dụng Facebook, Zalo, bản tin thị trường lao động hàng tháng... Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các văn bản liên quan đến chính sách pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện tốt quy trình phối hợp giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm và các đơn vị có liên quan.

Cùng với đó, nhiều Trung tâm Dịch vụ việc làm đã chủ động kết nối việc làm cả trong và ngoài địa phương theo hình thức trực tuyến để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.

Các phiên giao dịch việc làm trực tuyến đã góp phần hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, đồng thời, dần hình thành sự liên thông thị trường giữa các địa phương, giúp người lao động tiếp cận thông tin nhu cầu tuyển dụng rộng hơn, có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp trong thời gian tới.
         
Cuối tháng 7 vừa qua, 11 Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức kết nối phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Phiên giao dịch đã thu hút 95 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lên đến 29.077 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông tập trung trong các ngành nghề điện tử, may mặc, sản xuất nhựa… Kết quả đã có 91 lao động trúng tuyển ngay trong ngày diễn ra phiên giao dịch việc làm, có 73 lao động được doanh nghiệp hẹn phỏng vấn.
ĐỨC ANH
Cùng chuyên mục
Tăng cường kết nối việc làm cho người lao động trong mùa dịch