Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của ngành tài nguyên môi trường

(BKTO) - Trong vai trò cơ quan quản lý nhà nước về những nguồn lực đặc biệt quan trọng của quốc gia như đất đai, tài nguyên, năm 2017, dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có chuyển biến khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.



Nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, năm 2017, ngành TN&MT đã hoàn thành việc lập, thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho 63/63 tỉnh, thành phố; rà soát ranh giới gần 32.200 km, cắm gần 54.800 mốc, đo đạc lập bản đồ địa chính 1.336.000 ha (đạt 95,1%). Ngành đã thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích khoảng 27.000 ha trên cả nước để phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giải quyết nhà ở cho nhân dân. Đồng thời, khai thác và đưa vào sử dụng hơn 10.000 ha đất chưa sử dụng; xử lý và đưa vào sử dụng gần 78.000 ha đất của các dự án chậm triển khai.

Ngành đã tiếp tục tăng cường hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về đất đai, thị trường bất động sản, “cởi trói” được một phần cho sản xuất nông nghiệp. Công tác cải cách hành chính của ngành đã có những bước chuyển biến thông qua việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến đối với 71 thủ tục; liên thông 11 thủ tục trong lĩnh vực môi trường, nước và biển, đảo; đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3-1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận...

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đã tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; thanh tra, kiểm tra xử lý hơn 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường tại các tỉnh, thành: Hà Tĩnh, Kiên Giang, Phú Yên, Hà Nội, Lào Cai, Bắc Ninh…

Đánh giá về các kết quả đạt được trong năm 2017 của ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định: Công tác quản lý TN&MT đã có những chuyển biến khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Quản lý đất đai ngày càng đi vào nền nếp, được quan tâm và có hiệu quả hơn; vấn đề lãng phí đất đai được giải quyết tốt; tập trung kiểm soát, phòng ngừa các sự cố, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng tài nguyên được đẩy mạnh; chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng trong ứng phó với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, của thiên tai gây ra...

Tập trung hoàn thiện thể chế,cơ chế

Bên cạnh những thành tích đạt được, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng nhìn nhận, ngành vẫn còn nhiều tồn tại như: Một số chính sách, pháp luật về TN&MT chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thực tế. Nhiều vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp; hiệu quả sử dụng đất còn thấp so với các nước trong khu vực, quản lý đất công ích, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn hạn chế, để lấn chiếm, tranh chấp...

Đánh giá về những thách thức của ngành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập. Đây là lĩnh vực dễ gây thất thoát, lãng phí, thậm chí tham nhũng, nên cần được tập trung giải quyết trong thời gian tới. Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản ở một số nơi chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây lãng phí, thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Tình hình ô nhiễm môi trường ở một số khu, cụm công nghiệp, ở các làng nghề, các đô thị và cả nông thôn có nơi còn rất nghiêm trọng. Ở một số địa phương, năng lực thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế, buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là trong quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường...

Nhấn mạnh về những nhiệm vụ đặt ra trong năm 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành TN&MT cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về TN&MT để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Đây là nhiệm vụ số một, bởi hoàn thiện thể chế sẽ giúp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch và kế hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường; nghiên cứu thành công công nghệ xử lý chất thải, nước thải, khí thải phù hợp với trình độ, thu nhập, điều kiện tự nhiên, xã hội của Việt Nam.

Đặc biệt, ngành TN&MT phải tăng cường hơn nữa chất lượng công tác dự báo khí tượng, thủy văn, thiên tai. Hơn nữa, cần huy động nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu ứng phó với Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh 2016 - 2020; đồng thời, xây dựng lộ trình hành động cụ thể đối với Kế hoạch triển khai thỏa thuận Paris về khí hậu tại Việt Nam, làm cơ sở để triển khai thực hiện các hoạt động.

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 11-02-2018
Cùng chuyên mục
Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của ngành tài nguyên môi trường