Tận dụng các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng để nhanh chóng phục hồi kinh tế

(BKTO) - Cơ sở hạ tầng (CSHT) đang được xem là người hùng thầm lặng trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Bởi lẽ, bất chấp sự gián đoạn trên mọi phương diện, CSHT với các thành phần cốt lõi như: điện, nước, thông tin liên lạc và hệ thống giao thông đã giữ cho nền kinh tế hoạt động ổn định trở lại. Vì vậy, những dự án mang tính bền vững về tài chính, giảm thiểu rủi ro, dẫn đầu công nghệ và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích nhất cho cộng đồng cần được chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam ưu tiên đầu tư.




CSHT có thể coi là công cụ hiệu quả để chống lại suy thoái và đẩy nhanh sự phục hồi của nền kinh tế. Ảnh: P.Tuân

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng - công cụ hiệu quả giúp chống lại suy thoái kinh tế

Chi phí toàn cầu bao gồm cả kinh tế và xã hội đổ vào Covid-19 đã và đang tiếp tục ở mức “cắt cổ” theo bất kỳ tiêu chuẩn đo lường nào. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, con số này nằm trong khoảng 5,8 - 8,8 triệu USD và có khả năng lên tới 82 triệu USD trong vòng 5 năm tới theo nghiên cứu của Đại học Cambridge. Nhiều thị trường mới nổi vốn đã phải đối mặt với khó khăn về tài chính trước khi đại dịch bùng phát, nay lại thêm áp lực từ các gói kích thích kinh tế, bảo đảm việc làm, chăm sóc y tế và đầu tư… Điều này càng khiến cho các dự án CSHT không thể tiếp tục đầu tư, ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế.

Theo Viện Chính sách kinh tế - tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ, lĩnh vực CSHT có tương quan tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và hiệu ứng số nhân đáng kể. Theo đó, trung bình mỗi 100 USD chi cho CSHT sẽ làm tăng sản lượng của khu vực tư nhân lên 13 USD và có thể là 17 USD trong dài hạn. Hơn nữa, mỗi 100 tỷ USD chi tiêu cho CSHT sẽ thúc đẩy tăng trưởng khoảng 1 triệu việc làm (toàn thời gian). Với những tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong môi trường hiện nay, việc ưu tiên đầu tư các dự án CSHT là cần thiết.

Mối tương quan chặt chẽ giữa đầu tư vào CSHT và sự thay đổi kinh tế luôn được các nhà hoạch định chính sách quan tâm hàng đầu, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi có nhân khẩu học trẻ tuổi đòi hỏi cơ hội việc làm mạnh mẽ trong nền kinh tế. Thúc đẩy đầu tư CSHT có thể coi là công cụ hiệu quả để chống lại suy thoái và đẩy nhanh sự phục hồi của nền kinh tế. Do đó, chính phủ các nước nên xem xét và nghiên cứu tính khả thi của các dự án CSHT trước khi triển khai để thúc đẩy hoạt động kinh tế và thu hút đầu tư - chuyên gia của KPMG khuyến nghị.

Khai thác các nguồn tài chính thay thế

Các chuyên gia của KPMG nhận định, hầu hết các thị trường mới nổi đều không có đủ khả năng để trang trải mọi khoản đầu tư, chi phí xây dựng và vận hành kết cấu hạ tầng; do vậy, việc tìm kiếm các hình thức đầu tư mới, có sự tham gia của tư nhân trong đầu tư, cung cấp dịch vụ công trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia, nhất là vào những thời điểm ngân sách bị suy giảm. Chính phủ các nước sẽ cần phải sáng tạo trong việc sử dụng những giải pháp tài chính như: tài chính hỗn hợp, quỹ đổi mới bền vững và trái phiếu xanh để mở khóa vốn cho các dự án phù hợp. Các nhà đầu tư cũng có thể tác động đến các dự án được ưu tiên thông qua các tiêu chí về môi trường, xã hội, quản trị và sự phát triển của các quỹ mục tiêu. Một số nhà đầu tư lớn ưu tiên hai yếu tố bền vững và quản trị là động lực quan trọng để xác định các dự án phù hợp với nguồn vốn tư nhân.

Có hai phương án quan trọng để thúc đẩy việc đầu tư vào CSHT tại các thị trường mới nổi. Đầu tiên là khai thác các nguồn tài chính thay thế như vốn địa phương, liên doanh với các DN và tận dụng nguồn tài chính của các ngân hàng. Phương án thứ hai là để các tổ chức đa phương tài trợ trước một phần vốn cho các dự án ưu tiên trước khi kêu gọi đầu tư, điều này không chỉ tạo nên niềm tin về tính khả thi của dự án mà còn giúp khu vực tư nhân tập trung vào các dự án được xác định sẽ mang lại sự đổi mới, công nghệ tốt nhất cho khu vực tư nhân và giá trị đồng tiền cao cho chính phủ các nước. Phương án này cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế khuyến khích sử dụng nhằm tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và các ngân hàng đa phương vào lĩnh vực CSHT.

Bên cạnh đó, với sự ra đời của công nghệ mới như: internet vạn vật (IoT), tự động hóa quy trình robot (RPA), các công cụ kỹ thuật số (phân tích dữ liệu, cơ sở hạ tầng đo lường tiên tiến)…, các thị trường mới nổi sẽ được hưởng lợi thông qua dịch vụ hiệu quả với chi phí thấp. Những CSHT cũ có thể được nâng cấp bằng công nghệ hiện đại nhất, đồng thời tạo ra các dự án hạ tầng đô thị thông minh trong các lĩnh vực quản trị, dịch vụ, quản lý đất đai và môi trường.

BẮC SƠN
Cùng chuyên mục
Tận dụng các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng để nhanh chóng phục hồi kinh tế