Phát triển ngành than góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia

(BKTO) - Theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.



                
   

Định hướng phát triển ngành than góp phần đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: TTXVN

   

Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đưa ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với phát triển ngành than là xây dựng mới chiến lược phát triển ngành than gắn với nhiệm vụ đầu tư hiệu quả ra nước ngoài và nhập khẩu than dài hạn; thực hiện dự trữ than phù hợp, đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện; mở rộng tìm kiếm, thăm dò, nâng cao chất lượng công tác đánh giá các cấp trữ lượng và tài nguyên.

Đồng thời đẩy mạnh khai thác than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; khẩn trương nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than đồng bằng sông Hồng; nâng cao hệ số thu hồi than sạch trong khai thác hầm lò.

Song song với đó là triển khai nhanh việc xây dựng hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than quy mô lớn; tăng cường cơ giới hoá, hiện đại hoá thiết bị sàng, tuyển và khai thác than; rà soát, đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch và tối ưu hoá các giải pháp cung cấp than ổn định cho sản xuất điện phù hợp với cơ chế thị trường.

Thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và nhiệm vụ được Chính phủ giao, để xây dựng Chiến lược ngành than, Bộ Công Thương xác định, cần đánh giá, làm rõ thực trạng hoạt động thăm dò, khai thác, tiêu thụ, kinh doanh than trong nước thời gian qua, từ đó, đề xuất giải pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, tồn tại và nâng cao năng lực sản xuất than trong nước.

Đối với sản xuất than trong nước, Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh, nâng cao năng lực sản xuất than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, môi trường, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên than. Trong đó có tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thăm dò; điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than tại khu vực đồng bằng sông Hồng nhằm lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu các khâu sản xuất; nâng cao năng lực chế biến…

Đối với việc nhập khẩu than, Bộ Công Thương nêu rõ, cần nghiên cứu, đánh giá, tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đề xuất các giải pháp trong dài hạn nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với tình hình mới và xu thế phát triển của thị trường than thế giới.

Cùng với việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, tiêu thụ than, cần quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng kế hoạch và tối ưu hoá các giải pháp cung cấp than ổn định cho sản xuất điện, đồng thời đẩy mạnh xây dựng hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than quy mô lớn…

Giải pháp quan trọng nữa là đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế; đề xuất chính sách phù hợp giúp DN trong nước thực hiện hoạt động đầu tư khai thác than nước ngoài đưa về phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước; chuẩn bị tốt các nguồn lực về nhân lực, tài chính... phục vụ hoạt động đầu tư phát triển mỏ, giúp phát triển bền vững ngành than Việt Nam./.
QUỲNH ANH

Cùng chuyên mục
Phát triển ngành than góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia