Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa

(BKTO) - Tiếp nối thành công của các hội thảo trước, sáng 19/8, Học viện Tài chính phối hợp với Đại học Greenwich (Vương quốc Anh), Viện Kinh tế - Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” lần thứ 5 (SEDBM5). Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước.



                
   

Diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo "Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa" lần thứ 5. Ảnh: Nguyễn Ly

   
Hội thảo là diễn đàn dành cho các học giả và chuyên gia cùng thảo luận về những chiến lược, quy trình, giải pháp, xu hướng phát triển mới nhất, hiệu quả nhất trong điều kiện toàn cầu hóa, từ đó, giúp các doanh nghiệp và các tổ chức sáng tạo giá trị ngày càng cao cho người dùng, các bên liên quan, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đất nước.

Khai mạc Hội thảo, Nhà giáo nhân dân, PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính - nhấn mạnh: Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong những thập kỷ qua. Tuy vậy, sự bất bình đẳng về lợi ích kinh tế giữa các khu vực, quốc gia, tầng lớp xã hội đã dẫn đến xu hướng chống toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại.

Cùng với đó, đại dịch Covid-19 dù đã được kiểm soát nhưng hệ lụy là rất lớn và còn kéo dài, các xung đột địa chính trị gây nên đứt gãy các chuỗi cung ứng, làm suy giảm tổng cung, tăng mức giá của nhiều loại hàng hóa, vật tư, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia và khu vực. Cục diện kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến theo hướng phức tạp và khó dự đoán hơn. Những sự kiện, diễn biến trên đang có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới và động thái chính sách của các nước, trong đó có Việt Nam.
                
   

Nhà giáo nhân dân, PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính - phát biểu khai mạc Hội thảo trên không gian trực tuyến.
   Ảnh: Nguyễn Ly

   

Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, Việt Nam vừa có cơ hội lớn vừa phải đối đầu với thách thức không nhỏ. Việt Nam là một phần của châu Á với sự trỗi dậy năng động, nền kinh tế mở, đa dạng và đầu tư lớn vào phát triển kinh tế số. Thêm vào đó, Việt Nam được đánh giá là đối tác quan trọng trên mọi lĩnh vực, có môi trường đầu tư thân thiện, hệ thống chính trị ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đối ngoại và là nhân tố quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, tiến trình hội nhập cũng mang lại nhiều thách thức đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục xu hướng đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đặc biệt, sự quyết tâm chính trị, đồng thuận xã hội và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy tự do hóa kinh doanh, khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường… có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính quyết định để thực hiện thành công và đạt các mục tiêu chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
                
   

Các diễn giả tham dự Phiên thảo luận 2 với chủ đề: "Tài chính và quản trị trong bối cảnh toàn cầu hóa". Ảnh: Nguyễn Ly

   
Tại Hội thảo, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã thảo luận về các chủ đề: Tài chính xanh và Tối ưu hóa phân bổ danh mục ở châu Á; vai trò của bảo lãnh tín dụng trong phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài phiên toàn thể, Hội thảo chia làm 2 phiên thảo luận chuyên sâu với các chủ đề: Phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa; tài chính và quản trị trong bối cảnh toàn cầu hóa./.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa