Nông nghiệp, nông thôn phát triển chưa xứng với tiềm năng

(BKTO) - Từ kết quả cuộc điều tra về nông thôn, nông nghiệp quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc (8.297 xã, 20.611 trang trại và 1,6 triệu hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản), bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn nông thôn những năm qua đã được phác họa với nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

   Sản xuất nông nghiệp tại địa bàn nông thôn có nhiều khởi sắc. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính
   


Bức tranh với nhiều điểm sáng

Ghi nhận những điểm sáng của khu vực nông thôn từ năm 2016-2020, Tổng cục Thống kê đúc rút ra 5 thành tựu nổi bật.

Một là, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chương trình, đề án khác về nông thôn, nông dân, nông nghiệp được triển khai quyết liệt, rộng khắp và thu được kết quả khá toàn diện.

Hai là, kết cấu hạ tầng nông thôn, bao gồm hạ tầng kinh tế, xã hội và vệ sinh môi trường được bổ sung, hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng.

Ba là, cơ cấu kinh tế nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ.

Bốn là, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh để duy trì và phát triển ổn định.

Năm là, sinh kế của người dân được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn tiếp tục được cải thiện.

Minh chứng cho kết quả khá toàn diện trong xây dựng nông thôn mới, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, kết thúc năm 2020, cả nước có 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra là đạt 50% số xã; bình quân mỗi xã đạt 16,38 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Cả nước đã có 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; 268 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Cập nhật số liệu đến hết năm 2021, theo Bộ NN&PTNT, cả nước có 5.615/8.233 xã (đạt tỷ lệ 68,2%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5,8% so với năm 2020). Trong đó, có 503 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngoài ra, có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 40 đơn vị so với năm 2020); 14 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 tỉnh được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 3 tỉnh, thành phố đã có 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận cấp tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Cần khắc phục những vấn đề lớn về quy mô, nhân lực, bảo vệ môi trường

Trong những năm vừa qua, các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương và người dân đã tiến hành nhiều giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Song song với đó, vai trò chủ thể của người dân được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Nhờ vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn về điện, giao thông, thủy nông, trường học, thiết chế văn hóa, trạm y tế và hạ tầng bảo vệ môi trường sinh thái được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, có những mặt đã cơ bản hoàn thiện.

Đáng chú ý, kinh tế phi nông nghiệp và dịch vụ hỗ trợ kinh tế nông thôn có bước phát triển mới. Trên địa bàn nông thôn cả nước hiện có 5.768 xã có hộ/cơ sở chuyên chế biến nông, lâm, thủy sản, chiếm 69,52% tổng số xã với 220.599 hộ/cơ sở hoạt động, bình quân mỗi xã có 38,25 hộ/cơ sở.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, làng nghề là loại hình kinh tế phi nông, lâm nghiệp và thủy sản quan trọng trên địa bàn nông thôn. Theo kết quả điều tra 01/7/2020, cả nước có 1.009 xã và 2.434 thôn có làng nghề, chiếm 12,16% tổng số xã và 3,68% tổng số thôn khu vực nông thôn, tăng 1,26 điểm phần trăm về số xã và tăng 0,4 điểm phần trăm về số thôn so với 01/7/2016.

Sự phát triển của làng nghề đem lại lợi ích lớn cả về kinh tế và xã hội, bởi làng nghề không chỉ sản xuất ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị văn hóa cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của đời sống xã hội và xuất khẩu, mà còn tạo việc làm, thu nhập và sinh kế bền vững cho người dân.

Đặc biệt, dấu ấn của chương trình xây dựng và phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng đậm nét. Đến tháng 2/2020 đã có 3.368 xã đăng ký sản phẩm OCOP, chiếm 40,59% tổng số xã trên địa bàn nông thôn cả nước. Trong đó, 1.210 xã có sản phẩm được xếp hạng, chiếm 35,93% tổng số xã đăng ký sản phẩm với 1.673 sản phẩm được xếp hạng.

Cùng với những kết quả tích cực trên, các chuyên gia của Tổng cục Thống kê đã chỉ ra những vấn đề lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản những năm vừa qua.

Cụ thể, khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự đột phá trong khai thác, sử dụng tiềm năng, lợi thế, nguồn lực về lao động, đất đai, thị trường và các nguồn lực khác trên địa bàn nông thôn rộng lớn nói chung và lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản nói riêng; nhiều điểm nghẽn vẫn tiếp tục tồn tại.

Mặc dù có những bước phát triển mới, song cơ cấu kinh tế nông thôn, nông nghiệp chuyển dịch chậm, sản xuất nhỏ vẫn phổ biến, nông nghiệp vẫn là chủ yếu. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái có xu hướng gia tăng, tác động tiêu cực tới tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn.

Một trong những điểm nghẽn là lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng các chương trình, dự án đào tạo nghề chưa thật sự phù hợp nên hiệu quả thấp. Tỷ lệ lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động được đào tạo chỉ tăng bình quân 0,42 điểm phần trăm/năm.

Do vậy, năm 2020, lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 12,57 triệu người, chiếm tới 89,97% tổng số lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động.

Một vấn đề nữa là mặc dù kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển, nhưng nhìn chung sản xuất vẫn phân tán, nhỏ lẻ. Trong kinh tế phi nông nghiệp của khu vực nông thôn, làng nghề là loại hình sản xuất có đóng góp lớn nhưng quy mô của các cơ sở sản xuất trong các làng nghề vẫn hết sức nhỏ bé.

Cùng với đó, sự phát triển kinh tế - xã hội nông thôn những năm vừa qua bộc lộ ngày càng rõ những yếu kém về bảo vệ môi trường sinh thái. Việc thu gom, xử lý chất thải của khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, dịch vụ và rác thải, nước thải sinh hoạt của dân cư trên địa bàn nông thôn còn nhiều bất cập./.


PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Nông nghiệp, nông thôn phát triển chưa xứng với tiềm năng