Nỗ lực phục hồi, cần nhanh chóng khắc phục lỗ hổng lao động thiếu kỹ năng nghề

(BKTO)- Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), thị trường lao động trong nước chỉ có khoảng 11% lao động có kỹ năng nghề cao và hơn 26% lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ. Số lao động còn lại phần lớn thiếu kỹ năng, không thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đây đang là thách thức rất lớn cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.



                
   

Lao động thiếu kỹ năng nghề trở thành rào cản để phục hồi, phát triển
   kinh tế - xã hội. Ảnh: N.LỘC

   

Tỷ lệ lao động có trình độ, kỹ năng nghề thấp
         
Việt Nam hiện có 98 triệu dân, 55 triệu lao động nhưng tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 26,2% là quá thấp. Trong khi đó, tuyển sinh trong GDNN chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá xa so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề, đặc biệt là kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TS. Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cho biết, đại dịch Covid-19 vừa qua đã lột trần thực trạng về sử dụng nguồn nhân lực tại thị trường nước ta hiện nay, trong đó, lao động phổ thông, có tay nghề thấp không thể tìm được việc làm. Thay vào đó, các lao động có kỹ năng tay nghề, có khả năng thích ứng tốt hơn, thậm chí là chịu rất ít ảnh hưởng của đại dịch – nếu xét về mức thu nhập (lao động trong các ngành công nghệ thông tin)

“Những hạn chế trình độ kỹ năng khiến lao động Việt gặp nhiều khó khăn khi dịch chuyển việc làm, vì thị trường lao động đang có sự cơ cấu lại mạnh mẽ” – TS. Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh.

Dẫn số liệu Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2021, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội Bùi Tôn Hiến cũng cho biết, công nhân lao động phổ thông là nhóm dễ tuyển dụng nhất khi doanh nghiệp tuyển thay thế hoặc mở rộng sản xuất, khoảng 62%. Tiếp đến là nhóm kế toán 42%, cán bộ kỹ thuật 25% và quản lý, giám sát 20%. “Điều này cho thấy tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phục hồi” - ông Hiến lưu ý.

Nhấn mạnh ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác đào tạo nghề bị chững lại, giới chuyên gia cũng cho rằng, các giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề, duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, dù có tính nhân văn sâu sắc. Nguyên nhân là chính sách được thực hiện trong giai đoạn còn dịch Covid-19 (chính sách hết hạn vào tháng 6/2022) nên nhiều nơi gặp khó khăn trong triển khai.

Trong khi đó, đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức nhấn mạnh, nguồn nhân lực là yếu tố then chốt cho năng suất lao động của Việt Nam. Những định hình về thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 và quá trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ hiện nay của Việt Nam sẽ là cơ hội để người lao động có kỹ năng nghề khẳng định vị trí. Đây cũng chính là cơ hội đặt ra cho lĩnh vực đào tạo, trong đó có đào tạo nghề, đòi hỏi các ngành chức năng cần phải có những giải pháp linh hoạt để thúc đẩy thay đổi mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này.

Thúc đẩy người lao động tham gia đào tạo nghề

Để phát triển thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về phát triển thị trường lao động đúng hướng, hiệu quả, linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp về đào tạo nghề, GDNN.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, thời gian qua, Tổng cục GDNN đã phối hợp với các địa phương, đơn vị chỉ đạo các cơ sở GDNN thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút người dân tham gia đào tạo nghề, trong đó có việc đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng học sinh; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN được giảng dạy chương trình phổ thông song song với chương trình nghề...

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng không ngừng rà soát, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo GDNN; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm.

"Mục tiêu là đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%; khoảng 90 trường chất lượng cao nhằm đào tạo và cung cấp nhân lực cho các ngành nghề trọng điểm" - TS. Trường Anh Dũng cho biết.

Tổng cục cũng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong kết nối GDNN với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho người học; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

“Những giải pháp đó đang được Tổng cục GDNN thực hiện quyết liệt, tuy nhiên, hiệu quả sẽ không như mong đợi, nếu các ngành, các địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp đứng ngoài cuộc” – ông Dũng nhấn mạnh.
                
   

Cần đẩy mạnh đào tạo nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề cho đất nước. Ảnh tư liệu

   

Cũng lưu ý công tác đào tạo chỉ thực sự hiệu quả khi có sự phối hợp đồng bộ với nhiều ngành, với thị trường, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề công tác xã hội Việt Nam Dương Đức Lân cho biết, để công tác đào tạo sát với thị trường, các cơ quan, địa phương cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, đặc biệt các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường lao động quốc gia, phần mềm kết nối cung - cầu về lao động.

“Chỉ khi có được các dữ liệu này và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan thì GDNN mới có thể đào tạo sát với nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng đào tạo thiếu định hướng, ngành cần thì thiếu, ngành bão hòa thì thừa lao động” - ông Lân lưu ý, đồng thời nhấn mạnh các cơ sở GDNN cần phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, đào tạo theo mong muốn của doanh nghiệp.

Ngoài những giải pháp nêu trên, để tạo động lực cho người lao động tích cực tham gia đào tạo, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định thêm các ngành nghề và vị trí công việc bắt buộc người lao động phải có chứng chỉ kỹ năng nghề nếu muốn được tuyển dụng. Bởi với số lượng ít ỏi chưa đến chục nghề đang quy định yêu cầu về chứng chỉ kỹ năng nghề, trong số hàng trăm ngành nghề hiện nay, thì người lao động vẫn chưa sẵn sàng tham gia đào tạo nghề với lí do “không có kỹ năng, bằng cấp vẫn được doanh nghiệp tuyển dụng và có thu nhập gần bằng người phải trải qua 2-3 năm đào tạo”. Đây chính là nghịch lý cần sớm được khắc phục để tạo dựng một thị trường lao động phát triển bền vững.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Nỗ lực phục hồi, cần nhanh chóng khắc phục lỗ hổng lao động thiếu kỹ năng nghề