Những điểm mới đáng lưu ý của Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

(BKTO) - KTNN vừa tổ chức tập huấn trực tuyến về Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cho công chức, kiểm toán viên trong toàn Ngành. Tại đây, các học viên đã được Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc phổ biến về những điểm mới đáng lưu ý của Luật này, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến KTNN. Phóng viên Báo Kiểm toán đã ghi lại những nội dung cơ bản của buổi tập huấn này.




Buổi tập huấn trực tuyến về Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cho công chức, kiểm toán viên KTNN. Ảnh: Ngọc Bích

Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm về kết luận kiểm toán

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gồm 17 chương, 152 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Điểm thay đổi cơ bản đáng lưu ý đầu tiên là Điều 21 - Nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN. Theo đó, KTNN thực hiện kiểm toán hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Kiến nghị của KTNN liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế được quy định như sau: Trường hợp KTNN trực tiếp kiểm toán người nộp thuế theo quy định của Luật KTNN có nội dung kiến nghị về nghĩa vụ nộp NSNN thì KTNN phải gửi biên bản hoặc báo cáo kiểm toán cho người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị theo báo cáo kiểm toán của KTNN. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của KTNN thì người nộp thuế có quyền khiếu nại kiến nghị của KTNN.

Trường hợp KTNN không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế có nội dung kiến nghị nêu trong báo cáo kiểm toán liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì KTNN gửi bản trích sao có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để thực hiện. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiến nghị của KTNN. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế, KTNN xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, KTNN chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Như vậy, với các quy định này, trách nhiệm của KTNN nặng nề hơn so với trước đây.

Bên cạnh đó, Luật đã có những quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại (NHTM) tại Điều 27. Đây là vấn đề mà các kiểm toán viên cần lưu ý trong quá trình kiểm toán. Cụ thể, NHTM khi tham gia phối hợp thu thuế và thu các khoản thu khác thuộc NSNN có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế, Kho bạc Nhà nước trong việc thực hiện nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế; xử lý, đối soát dữ liệu về nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử; truyền, nhận thông tin chứng từ nộp thuế điện tử, chuyển tiền thanh toán các khoản thu NSNN cho Kho bạc Nhà nước đầy đủ, chính xác, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật…

Điểm mới khác tại Điều 27 liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là NHTM có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Ví dụ: Google, Youtube hoặc mạng xã hội khác thanh toán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam hoặc Việt Nam quảng cáo trên Facebook, Google và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam qua tài khoản nhưng các DN nói trên cho rằng họ ở nước ngoài, cung cấp tài khoản trên mạng xã hội chứ không thực hiện hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nên không nộp thuế. Hay Agoda, Facebook… không hiện diện tại Việt Nam nhưng mở tài khoản tại các NHTM tại Việt Nam, có dịch vụ tuyên truyền, quảng cáo, đặt hàng, hưởng hoa hồng môi giới, đó là thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Với những hoạt động thương mại điện tử này, ngân hàng có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định của Việt Nam khi các bên nói trên không thực hiện nghĩa vụ thuế…

Mở rộng quyền cho người nộp thuế

Điểm đáng chú khác là Điều 16 Luật này mở rộng quyền của người nộp thuế. Bên cạnh các quyền như Luật cũ, nhiều quyền mới được bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế như: được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn; được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà người nộp thuế đã gửi đến cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và pháp luật về giao dịch điện tử; được sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch với cơ quan quản lý thuế và cơ quan, tổ chức có liên quan; không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Liên quan đến việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế, Điều 47 của Luật quy định: người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra. Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này. Bên cạnh đó, Luật cũng đã có những quy định cụ thể về việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế…

MINH ANH (ghi)
Cùng chuyên mục
Những điểm mới đáng lưu ý của Luật Quản lý thuế (sửa đổi)