Nhiều tín hiệu tích cực từ nền kinh tế

(BKTO) – Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 17/02 cho thấy: Kinh tế Việt Nam khởi đầu năm mới với nhiều tín hiệu tích cực từ các lĩnh vực. Đáng lưu ý, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng sẽ hỗ trợ người dân, DN ổn định, phát triển sản xuất.




                
   

Nguồn: WB

   

Ngân sách bội thu, nhiều lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2022 tăng 6,7% so tháng trước và 1,3% so cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước lần đầu tiên kể từ tháng 5/2021. Chỉ số này phục hồi nhờ nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là đối với hàng hóa được đẩy mạnh khi các hộ gia đình chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

Thương mại hàng hóa thặng dư 1,4 tỷ USD tháng 01 mặc dù xuất khẩu tăng trưởng chậm lại. Xuất khẩu giảm tốc do kim ngạch xuất khẩu điện thoại giảm mạnh (giảm 26,1% so cùng kỳ năm trước) trong khi tăng trưởng ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như: Máy tính, điện tử và máy móc cũng chậm lại đáng kể.
                
   

Nguồn: WB

   

Cam kết và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có khởi đầu mạnh mẽ năm 2022. Cụ thể, Việt Nam thu hút 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 01, tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước. Mức tăng này có được nhờ các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành điện tử cùng hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) sôi động.

Giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tháng 01 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 400 triệu USD (tương đương 20% tổng vốn FDI đăng ký). Sau khi giảm mạnh trong quý III/2021, giải ngân các dự án FDI đã được phê duyệt tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng 6,8% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 01/2022.
                
   

Nguồn: WB

   

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Trong khi đó, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 16,3% trong tháng 01 so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng cao hơn là do nhu cầu tín dụng gia tăng khi các DN đẩy mạnh sản xuất và các hộ gia đình đẩy mạnh chi tiêu trước Tết.

Do nhu cầu tín dụng cao hơn, lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng bật tăng lên 2,42% vào thời điểm cuối tháng 01/2022 so với 0,73% cuối tháng 12/2021.
                
   

Nguồn: WB

   

Thu NSNN đạt khoảng 13% dự toán, trong khi chi ngân sách chỉ đạt 6,4% dự toán, dẫn đến bội thu ngân sách khoảng 69,6 nghìn tỷ đồng (3,1 tỷ USD) trong tháng 01/2022.

Đến cuối tháng 01, Kho bạc Nhà nước đã phát hành 23,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu, đạt 5,8% kế hoạch; thanh khoản dồi dào tiếp tục giữ chi phí huy động vốn ở mức thấp với lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp ổn định ở mức 2,08%.

Theo dõi chặt chẽ việc triển khai Chương trình phục hồi kinh tế

Cùng với những tín hiệu tích cực từ các lĩnh vực, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 cũng được thông qua trong tháng 01/2022. Theo đó, tổng quy mô các biện pháp tài khóa trong phạm vi ngân sách tương đương khoảng 4,5% GDP đánh giá lại.

Nhận định về Chương trình này, báo cáo của WB cho biết: Về thu ngân sách, biện pháp gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất tiếp tục được sử dụng. Điều đó phản ánh thành công đã đạt được kể từ đầu khủng hoảng của công cụ chính sách tài khóa này.

Bên cạnh đó, thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống 8% ở hầu hết các lĩnh vực, tương đương giảm thu từ thuế VAT khoảng 0,6% GDP đánh giá lại. Tất cả các biện pháp về thu ngân sách sẽ được triển khai trong năm 2022.

Các biện pháp về chi ngân sách (2,2% GDP đánh giá lại) chủ yếu bao gồm đầu tư công và hỗ trợ lãi suất. Đầu tư công (1,6% GDP đánh giá lại) bao gồm đẩy nhanh các dự án giao thông đã được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và các dự án mới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo xã hội, việc làm, chuyển đổi số, du lịch, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phần lớn các hoạt động đầu tư mới trên sẽ được triển khai vào năm 2023. Vì vậy, theo WB, các hoạt động này có thể chưa tác động nhiều đến tăng trưởng trong năm 2022.

Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động vẫn ở mức không đáng kể (khoảng 0,1% GDP đánh giá lại) và được thiết kế dưới hình thức ưu đãi nhỏ để người lao động quay lại và tiếp tục sinh sống tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Các biện pháp y tế như chương trình tiêm vắc-xin và "thông điệp 5K" cần được duy trì vì rủi ro bùng phát dịch với biến chủng Covid-19 mới ảnh hưởng đến kinh tế vẫn tồn tại và Việt Nam đang mở cửa trở lại trường học cũng như có kế hoạch gỡ bỏ hạn chế nhập cảnh với khách quốc tế để vực dậy ngành du lịch.

Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế mới có thể được nâng cao bằng cách bổ sung thêm các biện pháp đảm bảo xã hội nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Theo WB, để đảm bảo Chương trình có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, công tác triển khai cần được theo dõi chặt chẽ. Quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng có khả năng đã tác động đến chất lượng danh mục của ngân hàng và có thể có tác động lan tỏa từ việc tăng lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ dự kiến sẽ thực hiện.

Liên quan đến việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, PGS,TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM - cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là nhanh chóng triển khai hiệu quả gói an sinh xã hội, giải quyết việc làm.

Cũng theo PGS,TS. Trần Hoàng Ngân, Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn thủ tục cho vay, bảo đảm người vay được tiếp cận nguồn vốn nhanh gọn. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% với hướng dẫn chi tiết, rõ ràng; đây là chính sách có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ DN, người dân ổn định, phát triển sản xuất./.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
  • Sản lượng điện của PV Power vượt 29% kế hoạch tháng 01/2022
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Một DN thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) vừa cho biết, DN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng điện và tổng doanh thu tháng 01/2022.
  • Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) vừa ban hành Công văn số 3649/TLĐ-QHLĐ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể; gửi tới các LĐLĐ tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành trung ương, các công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.
  • Củng cố vững chắc nền an sinh xã hội đất nước
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) – Qua 27 năm xây dựng và phát triển của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, diện bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng trưởng nhanh qua từng năm, góp phần mở rộng hiệu quả lưới an sinh xã hội tới mọi người dân, người lao động, củng cố vững chắc nền an sinh xã hội của đất nước.
  • Phối hợp triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) – Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, sớm hoàn thiện các chính sách và tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.
  • Infographic - Tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ để phát triển kinh tế tập thể
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 diễn ra vào sáng 15/02/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ cần triển khai thời gian tới để khu vực kinh tế này phát huy được dư địa, tiềm năng, triển vọng phát triển còn rất lớn, dẫn dắt các hộ cá thể nhỏ lẻ khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh manh mún, chia cắt, tự phát, đi con đường chính ngạch, vào thị trường khó tính.
Nhiều tín hiệu tích cực từ nền kinh tế