Nhiều giải pháp quyết liệt để giảm nợ thuế

(BKTO) - Ngành tài chính đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm nợ đọng, nhất là những khoản nợ kéo dài khó thu hồi, phấn đấu không để nợ thuế vượt quá 5% tổng thu NSNN vào cuối năm 2020.



Nhiều khó khăn trong thu hồi nợ thuế

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến ngày 31/12/2019 là 80.830 tỷ đồng, tỷ lệ nợ trên tổng thu ngân sách ở mức 6,3%. Trong đó, tiền nợ có khả năng thu là 40.602 tỷ đồng, chiếm 50,2% tổng số tiền nợ thuế; nợ thuế không còn khả năng thu hồi là 40.228 tỷ đồng, chiếm 49,8%. Số tiền thuế nợ đọng vẫn còn lớn, chủ yếu là do các khoản nợ không có khả năng thu hồi, các khoản tiền phạt và tiền chậm nộp chiếm tới 71,4% tổng số tiền nợ thuế; số nợ thuế, phí và nợ tiền đất chỉ chiếm 28,6%.

Cũng theo Tổng cục Thuế, năm 2019, tỷ lệ tổng nợ trên tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý đã giảm 0,4% so với năm 2018. Tuy nhiên, tổng nợ trên tổng thu vẫn còn cao so với mục tiêu đặt ra là dưới 5%. Chẳng hạn, tại Hải Phòng, đến ngày 31/12/2019, số tiền nợ thuế là hơn 1.900 tỷ đồng, tăng gần 165 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do nợ từ Vinalines, Vinashin chiếm tới 1/4 tổng số nợ nhưng chưa thể thu hồi và vẫn phải tính tiền chậm nộp, tiền phạt vì không thuộc đối tượng xóa nợ thuế.

Còn tại Ninh Bình, mặc dù năm 2019, cơ quan thuế đã hoàn thành chỉ tiêu đưa nợ thuế về dưới 5% tổng thu ngân sách nhưng quá trình thực hiện thu nợ còn gặp vướng mắc. Theo quy định hiện hành, số tiền chậm nộp của nhóm nợ khó thu vẫn tính 0,03%/ngày, do vậy, số nợ này ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể về việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thuê đất vẫn chưa có. Ngoài ra, một số DN trên địa bàn không mở tài khoản tại ngân hàng, kho bạc và các tổ chức tín dụng hoặc có mở tài khoản nhưng không để số dư hoặc không đăng ký với cơ quan thuế số hiệu tài khoản theo quy định; một số DN mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng trong và ngoài tỉnh. Bởi vậy, cơ quan thuế gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác hay khi yêu cầu phong toả tài khoản...

Tổng cục Thuế cho rằng: Nợ thuế tăng do hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn gặp khó khăn, nhiều DN rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, tự giải thể, phá sản… Bên cạnh đó, sự phối hợp của một số cơ quan như: ngân hàng, công an, tòa án, thi hành án, đăng ký kinh doanh… chưa tốt, dẫn đến việc thu hồi nợ thuế chưa hiệu quả. Ngoài ra, nợ thuế có chiều hướng tăng còn do số tiền nợ thuế sử dụng đất, tiền thuê đất chưa được DN nộp vào NSNN. Với những trường hợp này, cơ quan thuế đã ghi nợ theo thông báo nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dẫn đến số nợ thuế tăng lên…

Quyết liệt giảm nợ thuế

Nhiệm vụ đặt ra cho ngành thuế là đến cuối năm 2020 phải giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách. Để đạt được mục tiêu này, ngành thuế đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm nợ đọng, nhất là những khoản nợ kéo dài khó thu hồi.

Cụ thể, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật thuế, chây ỳ nợ thuế, cố tình chiếm dụng tiền thuế phải nộp vào NSNN. Ngay từ tháng 01/2020, Tổng cục đã giao nhiệm vụ, chỉ tiêu thu tiền nợ thuế cho các cục thuế. Cùng với đó, cơ quan thuế sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho người dân và DN trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, giải quyết kịp thời các khoản nợ xấu, xử lý tiền chậm nộp cho các DN gặp khó khăn bởi lý do khách quan.

Đồng thời, Tổng cục Thuế sẽ sớm hoàn thiện Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế sửa đổi, Thông tư hướng dẫn Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; sớm tái thiết kế, sửa đổi, bổ sung quy trình quản lý nợ và quy trình cưỡng chế nợ thuế theo Luật Quản lý thuế sửa đổi và cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cục thuế, chi cục thuế mới.

Để kịp thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế cố tình chây ỳ, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát, xử lý các DN nợ thuế lớn, thông báo danh sách DN nợ thuế để yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tổ chức đôn đốc ngay các khoản nợ mới phát sinh, tránh tình trạng để nợ kéo dài, gây khó khăn trong việc thu hồi nợ thuế. Cơ quan thuế cũng sẽ kiên quyết thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế, không nộp tiền thuế nợ đúng hạn…

Riêng đối với các khoản nợ thuế của Vinalines, Vinashin nêu trên, Cục Thuế Hải Phòng sẽ kiến nghị Chính phủ cơ cấu lại, đồng thời cho phép khoanh nợ với những khoản nợ trước đây của DN.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
  • Điều hành chính sách tiền tệ -  bài toán cần có lời giải phù hợp
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vẫn chưa dừng lại khi số người nhiễm bệnh gia tăng mạnh ở một vài quốc gia. Dịch bệnh khiến nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam đứng trước nguy cơ sụt giảm. Trong bối cảnh đó, bài toán về điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đã được đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
  • Quản lý tài nguyên khoáng sản:  Biến tiềm năng thành động năng
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tài nguyên khoáng sản không đơn thuần chỉ là khai thác để phục vụ các mục đích phát triển kinh tế mà còn là câu chuyện “sống còn” của quốc gia. Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, nguồn thu từ khoáng sản phải được tái đầu tư, đồng thời, biến tiềm năng thành động năng để phát triển du lịch bền vững.
  • Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo dự kiến, cuối tháng 5 đầu tháng 6 tới, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 3 về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì không những thủy sản Việt Nam không tháo gỡ được “thẻ vàng”, mà nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Tuy nhiên, đến nay, việc khắc phục cảnh báo của EC vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn phổ biến.
  • Tăng thu hơn 6.895 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra thuế
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, 2 tháng đầu năm, toàn ngành Thuế đã thực hiện hơn 3.600 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó đã tăng thu cho NSNN hơn 6.895 tỷ đồng.
  • Ngành Hải quan: Thu ngân sách giảm 7,36% so với cùng kỳ
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 29/2, toàn ngành Hải quan thu nộp NSNN đạt 49.970 tỷ đồng, bằng 14,8% dự toán (338.000 tỷ đồng), giảm 7,36% so với cùng kỳ 2019. Chỉ tính riêng tháng 2, toàn Ngành thu đạt 23.951 tỷ đồng, thấp hơn so với tháng 1 (26.019 tỷ đồng).
Nhiều giải pháp quyết liệt để giảm nợ thuế