Nâng cao tính tự chủ của các ngành công nghiệp Việt

(BKTO) - Theo các chuyên gia, nhà quản lý, muốn phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh của các ngành công nghiệp Việt Nam.



                
   

Cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các DN công nghiệp phát triển. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính

   

Phát triển công nghiệp làm đòn bẩy cho nền kinh tế

Để công nghiệp Việt Nam có thể nâng cao tính tự chủ, nguồn lực xã hội nên tập trung vào việc xây dựng và nâng cao năng lực, năng suất cho các doanh nghiệp (DN) công nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các DN công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Đồng thời tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các DN công nghiệp trong nước có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn, kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong vai trò đầu mối quản lý lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương đang tham gia xây dựng nhiều chính sách quan trọng về công nghiệp hóa và phát triển công nghiệp nhằm hiện thực hóa các chủ trương mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của Bộ Công Thương là tham gia xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp.

Theo định hướng mà Bộ Công Thương đề xuất, các văn bản trên sẽ xác định rõ tầm quan trọng của phát triển công nghiệp trong quá trình hiện đại hóa đất nước, từ đó tập trung các nguồn lực của quốc gia để phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm đòn bẩy kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Trong đó cũng xác định rõ các tiêu chí về công nghiệp hoá để làm căn cứ xây dựng các mục tiêu cụ thể và lộ trình rõ ràng cho giai đoạn tới.

Ông Hoàn chia sẻ thêm, việc xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp có trọng tâm hướng vào thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là các DN công nghiệp lớn, có tiềm năng và hệ thống DN nhỏ và vừa; tập trung các nguồn lực để thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn, đóng vai trò dẫn dắt hệ thống DN công nghiệp nội địa và vươn ra thị trường khu vực.

Để đảm bảo tính đồng bộ, một định hướng lớn nữa là hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan Nhà nước về phát triển công nghiệp, trong đó nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về phát triển công nghiệp ở Trung ương và địa phương.

Tập trung nâng cao sức cạnh tranh của công nghiệp trong nước

Ông Ngô Khải Hoàn nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần thiết phải xây dựng Luật Phát triển công nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất, trong quá trình xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, có thể nghiên cứu, dự liệu thêm cả những chính sách được ban hành sau khi có Luật, thậm chí phải tính đến cả nguyên tắc phối hợp ban hành chính sách để có thể đảm báo tính nhất quán khi thực thi.

Đề cập đến các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp, ông Hiếu cho rằng nên quan tâm đến công cụ hỗ trợ DN, cách thức thực hiện ưu đãi nên tránh việc hành chính hoá, tránh tạo ra những rào cản, nên sử dụng những công nghệ, cách thức mang đậm tính thị trường và ưu đãi theo kết quả đầu ra.

Chẳng hạn, chủ trương đề ra là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát minh, sáng chế thì có thể triển khai theo hai cách. Một là hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu tạo ra phát minh, sáng chế nhưng kèm theo đó là các tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục hành chính phù hợp. Hai là ưu đãi đầu tư theo cam kết đầu ra, trong đó cách thức ưu đãi, công cụ hỗ trợ đều tiếp cận theo hướng đầu ra.

Thêm vào đó, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, xu hướng ngày nay là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong ngành công nghiệp. Do đó, chúng ta cần tận dụng tối đa thành tựu của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 để làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Đồng thời, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm mang tính chất nền tảng, một số ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, song song với phát triển những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu lưu ý, điểm trung tâm cần bám sát nhằm tiếp tục thể chế hoá khi xây dựng các chính sách cơ cấu lại ngành công nghiệp là làm sao để tăng cường sự liên kết, gắn kết giữa các DN.

Từ phía DN, ông Bùi Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vina Electric cho biết, Vina Electric là hãng sản xuất thiết bị điện kỹ thuật cao phục vụ ngành điện lực Việt Nam trên đường dây cao thế, trung thế, hạ thế từ 24kV lên tới 500kV và các phụ kiện khác.

Thế nhưng Vina Electric vẫn thiếu các nhà cung ứng linh kiện trong nước, phải nhập khẩu khiến chi phí gia tăng, tác động không nhỏ đến năng lực cạnh tranh trên thị trường ngành điện so với các DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Vì vậy, cơ chế chính sách của Nhà nước cần đồng hành với DN, dành những ưu đãi và sàng lọc DN thật sự cần hỗ trợ để thúc đẩy DN bứt phá vươn lên./.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Nâng cao tính tự chủ của các ngành công nghiệp Việt