Nâng cao giá trị hàng Việt ở thị trường trong và ngoài nước

(BKTO) - Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao giá trị hàng Việt, ngành công thương và các tập đoàn, DN trong và ngoài nước đang nỗ lực đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu để hàng “Made in Vietnam” trở thành những “Tinh hoa Việt Nam”.




Cần sớm thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt tại thị trường trong nước cũng như nâng tầm hàng Việt tại thị trường quốc tế. Ảnh: P.Tuân

Người Việt dùng hàngViệt chất lượng toàn cầu

Mới đây nhất, Tập đoàn Central Retail - sau những nỗ lực đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị của Tập đoàn - quyết định sẽ chuyển hướng mạnh mẽ hơn: thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt tại thị trường trong nước cũng như nâng tầm hàng Việt tại thị trường quốc tế. Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - chia sẻ: “Hiện tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống siêu thị ở Việt Nam của Tập đoàn chiếm tới 90%. Chúng tôi nhận thấy hàng Việt đã có sức lan tỏa và có chỗ đứng nhất định trong lòng người Việt”. Trong bối cảnh dịch bệnh Codid-19 khiến cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa gặp khó, Central Retail đã tổ chức Tuần hàng “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” từ ngày 23 - 25/10 với kỳ vọng giúp nâng tầm hơn nữa giá trị sản phẩm hàng Việt và mong muốn những sản phẩm chất lượng nhất, trong đó có những sản phẩm chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu thì nay cũng sẽ cung cấp cho cả thị trường nội địa…

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Nhiều DN Việt Nam đã bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, đơn hàng bị đình trệ. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa là một giải pháp cứu cánh cho nhiều DN. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, với quy mô gần 100 triệu dân, thị trường trong nước đã góp phần giúp các DN Việt Nam trụ được qua khó khăn, thách thức. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2020 đạt trên 3,67 triệu tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong vai trò Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, kết quả này có sự nỗ lực của ngành công thương và các địa phương, DN trong việc thúc đẩy người Việt ưu tiên dùng hàng Việt theo Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Cùng với đó là Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa năm 2020 nằm trong Kế hoạch hành động của ngành công thương nhằm khôi phục và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.

Doanh nghiệp nội chuyển hướng, doanh nghiệp ngoại bắc cầu

Sau sự kiện trên, đại diện của Central Retail cho biết, dự kiến năm 2021, Central Retail sẽ thực hiện cả Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan và Tuần hàng “Made in Vietnam” tại Việt Nam để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt cả ở trong và ngoài nước. Bắc cầu đưa hàng Việt ra thế giới, kim ngạch hàng Việt Nam xuất khẩu qua Tập đoàn Central Retail những năm qua đã có sự tăng trưởng đáng kể, chỉ từ 46 triệu USD năm 2016 đã tăng lên tới 205 triệu USD năm 2019.

Ông Nguyễn Quốc Phong - Giám đốc Công ty Vinagreence - chia sẻ, các siêu thị đang tìm đến sản phẩm chất lượng cao của các DN trong nước, họ rất cần những sản phẩm có chứng nhận đạt chuẩn. Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta có sản phẩm đặc biệt, nhưng cần phải nắm vững thị trường và thị hiếu tiêu dùng. Lý giải vì sao sầu riêng Thái Lan, Malaysia có thể ra thị trường quốc tế, được người tiêu dùng nhiều nước đón nhận, ông Nguyễn Quốc Phong cho biết, sầu riêng của Việt Nam cũng rất ngon, nhưng Thái Lan và Malaysia đã biết cách tạo giống để thay đổi mùi vị nên được người tiêu dùng nhiều nước chấp nhận.

Trong khi cải tạo giống để sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng được xem là bài học rút ra của ngành nông nghiệp và các DN trong ngành, thì đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, việc tạo ra dấu ấn riêng cho sản phẩm cũng được đánh giá là vô cùng quan trọng. Từ lâu, hàng thủ công mỹ nghệ Việt đã được xuất khẩu đi nhiều nước, được người tiêu dùng trên thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn chưa có mặt trong hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ lớn. Để tìm đầu ra rộng hơn cho sản phẩm, theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh - Làng nghề Mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội), chúng tôi có kế hoạch xây dựng mỗi sản phẩm là một câu chuyện, để thông qua đó, người tiêu dùng sẽ biết đến làng nghề Phú Vinh, cũng như giúp chúng tôi đưa được sản phẩm đến những thị trường khó tính nhất.

Còn với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T, sau nhiều năm “đem chuông đi đánh xứ người”, Công ty đã quyết định mở một showroom chuyên quảng bá, kinh doanh trái cây trong nước phục vụ chính người tiêu dùng Việt. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Đình Tùng cho biết, sau khi đi tham quan nhiều nơi, nhiều siêu thị, tôi thấy trái cây Việt Nam không được bày biện đẹp, chăm sóc tốt, trái ngược với những kệ hoa quả ngoại nhập sang trọng. Điều này khiến tôi cảm thấy không công bằng với trái cây Việt. Vì vậy, Vina T&T đã chuyển hướng đầu tư chuyên bán trái cây Việt cho người Việt.

Có thể thấy, sự chuyển hướng của các DN đang thúc đẩy chất lượng hàng Việt lên một tầm cao mới, vừa để phục vụ cho thị trường trong nước, vừa mở rộng lối ra thương trường quốc tế, từ đó thành công sẽ dễ dàng hơn.

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
  • Ứng dụng công nghệ, liên kết để phát triển kinh tế hợp tác
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Từ những nền tảng đã đạt được trong giai đoạn 2011-2020, Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác dựa trên bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể… Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với các HTX là rất lớn.
  • Người lao động Vinamilk đóng góp ngày lương, hỗ trợ miền Trung mùa bão lũ gần 4 tỷ đồng
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) Trong những ngày người dân cả nước đang cùng hướng về miền Trung ruột thịt, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ủng hộ gần 4 tỷ đồng giúp người dân bị thiên tai vượt qua khó khăn và khắc phục hậu quả sau bão lũ. Quỹ hỗ trợ này có sự đóng góp của tập thể người lao động Vinamilk bằng việc trích một ngày lương để chung tay cùng Công ty.
  • Quản trị dữ liệu - vấn đề sống còn của các ngân hàng
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng là một trong những ngành sở hữu khối lượng dữ liệu lớn và cũng là ngành tiên phong thực hiện chuyển đổi số. Bởi vậy, quản trị dữ liệu (QTDL) thông minh trở thành vấn đề sống còn của các nhà băng hiện nay.
  • Thị trường chứng khoán Việt Nam:  Dư địa tăng trưởng còn rất lớn
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Năm 2020, mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua nhiều biến động do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng vẫn có sự vươn lên mạnh mẽ. Giới chuyên gia tin tưởng, TTCK sẽ đón nhiều triển vọng tích cực, đặc biệt VN-Index có thể sẽ quay lại mốc từ 990 - 1.000 điểm vào cuối năm nay.
  • 5 năm cơ cấu lại ngân sách nhà nước: Cơ bản đạt được mục tiêu
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Sau 5 năm (2016-2020), việc cơ cấu lại NSNN đã cơ bản đạt được mục tiêu; bội chi ngân sách, chỉ tiêu an toàn nợ được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn mà Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm. Cơ cấu thuế trực thu, gián thu tích cực hơn, chi đầu tư phát triển đạt cao hơn kế hoạch; cơ chế quản lý ngân sách có đổi mới...
Nâng cao giá trị hàng Việt ở thị trường trong và ngoài nước