Lùi lộ trình siết vốn cho vay trung, dài hạn: Ngân hàng cần kiểm soát rủi ro thanh khoản

(BKTO)- "Khi lùi lộ trình siết vốn cho vay trung và dài hạn, nguồn vốn tại các ngân hàng dư dả hơn, có khả năng họ sẽ đầu tư vào những hạng mục nhiều rủi ro mang lại nguy cơ gia tăng nợ xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Do đó, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước đã quyết định lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thêm 1 năm thì các ngân hàng cũng cần tăng khả năng kiểm soát rủi ro thanh khoản".



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm.

   

Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu trước quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn.

Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thời hạn áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn sẽ lùi lại 1 năm so với lộ trình đã đưa ra trước đó.

Tức là lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ mức 40% xuống còn 37% sẽ áp dụng từ ngày 1/10/2021 thay vì ngày 1/10/2020 tới đây.

Ông Hiếu nhận định: "Xét về tỷ lệ, 3% không phải là con số quá lớn, nhưng tính ra số lượng tiền thì lại không hề nhỏ. Bởi hiện tại, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng vào khoảng 8,5 triệu tỷ đồng; trong đó, có khoảng một nửa là có vốn ngắn hạn và một nửa là vốn trung dài hạn".

Do đó, theo chuyên gia này, khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn kéo xuống như thế, bắt buộc các ngân hàng phải có 2 động thái là tăng huy động vốn trung, dài hạn, đồng thời giảm những món nợ trung, dài hạn xuống. Cả 2 điều này đều rất khó thực hiện.

"Việc lùi thời hạn siết tỷ lệ vốn cho vay của Ngân hàng Nhà nước giúp giảm áp lực huy động vốn trung dài hạn cho các ngân hàng, tránh nguy cơ chạy đua lãi suất để tăng hấp thụ nguồn vốn trung, dài hạn, đảm bảo quy định an toàn vốn. Từ đó giúp duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp thậm chí có thể tiếp tục giảm", ông Hiếu đánh giá.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, hiện nay nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp nhiều hơn nhằm tận dụng những ưu đãi hấp dẫn về lãi suất. Thực tế chứng minh 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng trung, dài hạn cao hơn tín dụng ngắn hạn. Do đó, việc lùi lộ trình sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn nhiều hơn.

Như vậy, việc lùi lộ trình trên tạo thuận lợi cho các ngân hàng tăng hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh hiện nay. Song, không phải không có những rủi ro tiềm ẩn.

"Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 40% vẫn là khá cao so với thông lệ quốc tế nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh khoản cũng như nguy cơ nợ xấu, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Lý giải điều này, ông Hiếu cho biết, với nguồn vốn dồi dào, các ngân hàng có khả năng sẽ đầu tư vào những hạng mục rủi ro hơn, tăng nguy cơ nợ xấu cho hệ thống. Mặt khác, khi ngân hàng dùng quá nhiều tiền để cho vay trung, dài hạn thì khi có biến động đặc biệt, người dân, doanh nghiệp rút tiền có thể khiến ngân hàng rơi vào khó khăn, không xoay xở kịp, thậm chí vỡ nợ.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo ngân hàng cần nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro thanh khoản khi thực hiện quy định mới này. Nhiều ngân hàng thời gian qua đã nỗ lực kéo giảm tỷ lệ này xuống dưới mức 40%. Do vậy, nếu có thể đáp ứng được theo lộ trình cũ, tức là giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống mức 37% từ ngày 1/10/2020, thì vẫn nên thực hiện, vừa nhằm đảm bảo an toàn hoạt động theo thông lệ quốc tế, vừa là bàn đạp để phát triển lành mạnh hơn.

Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2020, tỷ trọng cho vay trung, dài hạn trong tổng dư nợ tại một số ngân hàng duy trì ổn định so với cuối năm 2019 nhưng xét về giá trị tuyệt đối của dư nợ trung, dài hạn thì con số không hề nhỏ.

Như tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỷ trọng này tại thời điểm cuối tháng 6/2020 vẫn duy trì ở mức 47,7% như cuối năm 2019, nhưng số dư tuyệt đối đã tăng thêm 17.548 tỷ đồng, lên 367.899 tỷ đồng. Hay tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tỷ trọng tăng 0,1%, lên 65,2% nhưng dư nợ tăng đến 8.248 tỷ đồng, lên 176.197 tỷ đồng.

Thậm chí, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), tín dụng trung dài hạn tăng nhanh cả về tỷ trọng lẫn giá trị tuyệt đối. Theo đó, tỷ trọng tăng 2,9%, lên mức 63,1%, dư nợ tăng 21.639 tỷ đồng, lên 181.365 tỷ đồng.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, dẫn đến khả năng trả nợ ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Nợ cũ chưa thu hồi xong, nợ mới tiếp tục tăng khiến dư nợ trung, dài hạn tại các ngân hàng tăng cao.
Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Lùi lộ trình siết vốn cho vay trung, dài hạn: Ngân hàng cần kiểm soát rủi ro thanh khoản