Lo ngại tình trạng chất lượng thông tư kém “hành” doanh nghiệp

(BKTO) - Thời gian gần đây, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo hướng cởi mở, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp (DN). Tuy vậy, hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn có nhiều hạn chế gây khó khăn cho DN, trong đó, rất nhiều điểm vướng xuất phát từ quy định của các văn bản hướng dẫn như thông tư, công văn mà không phải ở cấp luật, pháp lệnh, nghị định.



                
   

Nhiều thông tư vẫn còn hạn chế về chất lượng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN- Ảnh minh họa: ninhthuan.gov.vn

   

Nhiều thông tư vẫn quy định về điều kiện kinh doanh

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo thống kê, tính từ ngày 01/01/2016 đến ngày 20/7/2020, số lượng thông tư chiếm hơn 68% tổng số lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành. Tính trung bình, mỗi luật (gộp chung luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) có khoảng 7 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có tới 26 thông tư, 2 thông tư liên tịch hướng dẫn. Với số lượng áp đảo so với các văn bản quy phạm pháp luật khác, thông tư có vai trò rất quan trọng khi hiện thực hóa các chính sách của cơ quan chủ trì xây dựng luật và sẽ tác động rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, qua kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, quy trình xây dựng và ban hành thông tư còn có nhiều vấn đề cần xem xét.

Trước hết, nhiều thông tư vẫn quy định về điều kiện kinh doanh - điều vốn bị cấm theo Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi năm 2020). Đơn cử, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thông tư ban hành điều kiện kinh doanh khá phổ biến, ví dụ như Thông tư số 03/2018/TT-NHNN quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô. Cụ thể, tại Điều 7 Thông tư số 03/2018/TT-NHNN quy định điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô bao gồm: có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ; có chủ sở hữu, thành viên sáng lập theo quy định tại Điều 8 Thông tư này; có người quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 20, 21, 22, 23 Thông tư này; có điều lệ phù hợp với quy định tại Điều 31 Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật có liên quan. Như vậy, có thể thấy các quy định trên là các điều kiện kinh doanh.

Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng lạm dụng ban hành thông tư. Thông tư có vai trò rất quan trọng, nhiều trường hợp bắt buộc phải có thông tư thì các quy định mới có thể áp dụng được trên thực tế. Trường hợp này, thông tư là “mảnh ghép cuối cùng” để hoàn chỉnh một quy trình/thủ tục.

Ngoài ra, cũng có trường hợp không nhất thiết cần phải có thông tư nhưng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn ban hành. Ví dụ, có đến hơn 70 thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi năm 2017), theo đó, các quy định về điều kiện, trình tự thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức tài chính vi mô; các biện pháp quản lý nhà nước trong lĩnh vực này... đều quy định tại thông tư.

Chất lượng thông tư vẫn còn nhiều hạn chế

Một vấn đề “nổi cộm” nữa của thông tư được cộng đồng DN đặc biệt quan ngại, theo ông Đậu Anh Tuấn, đó là chất lượng thông tư vẫn đang còn nhiều hạn chế, gây vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Cụ thể, qua kết quả rà soát của VCCI cho thấy, có khá nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định tại thông tư.

Ví dụ, Thông tư số 60/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá tối đa khi thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Theo quy định tại Thông tư, các mức giá của xe tải được phân biệt dựa trên tải trọng; thông tin của tải trọng căn cứ vào “Giấy chứng nhận đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền cấp”.

Trong khi đó, Thông tư số 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định mẫu Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô lại không có thông tin về tải trọng theo thiết kế. Điều này khiến cho các trạm thu phí không có cơ sở xác định các mức giá khi thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

Bên cạnh đó, nhiều quy định tại thông tư chưa phù hợp, gây khó cho DN khi thực hiện như: xác định chủ thể thực hiện nghĩa vụ chưa đúng; quy định tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ; quy định chưa phù hợp với thực tế, khó thực hiện...

Đơn cử như Thông tư số 40/2021/TT-BTC quy định chủ sở hữu sàn giao dịch điện tử phải thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán hàng trên sàn. Các DN cho rằng, quy định này là chưa phù hợp và khó khả thi, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN kinh doanh sàn thương mại điện tử với các chủ thể kinh doanh tương tự (cụ thể, Thông tư số 40/2021/TT-BTC chỉ yêu cầu sàn thương mại điện tử mà không yêu cầu các mạng xã hội thực hiện); tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho các sàn khi phải gia tăng chi phí để đầu tư công nghệ, nhân sự…

Trước những ý kiến phản ánh của các DN về bất cập của thông tư này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 100/2021/TTBTC sửa đổi Thông tư số 40/2021/TT-BTC vào ngày 15/11/2021, trong đó điều chỉnh lại quy định theo hướng phù hợp hơn.

Ngoài ra, nhiều thông tư quy định chưa minh bạch, thiếu rõ ràng, thường phổ biến ở các dạng như: không rõ về trình tự, thủ tục hành chính; không giải thích cho một khái niệm mới; sử dụng các khái niệm mang tính định tính, chưa rõ ràng, có thể tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau…

Bình luận về thực trạng chất lượng thông tư còn hạn chế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, quy trình xây dựng thông tư chủ yếu thực hiện giữa các đơn vị chuyên môn của các Bộ. Mặc dù, trong quá trình soạn thảo thông tư, các Bộ phải lấy ý kiến đối với đối tượng chịu tác động và có giải trình tiếp thu, nhưng ban soạn thảo, đơn vị thẩm định, người có thẩm quyền ký ban hành đều là của các Bộ. Nếu so với quy trình ban hành luật, pháp lệnh, nghị định thì mức độ kiểm soát về chất lượng và tính minh bạch trong quy trình ban hành thông tư sẽ hạn chế hơn.

Trong khi đó, theo bà Lan, một quy định tốt ở thông tư (hướng dẫn rõ ràng, phù hợp với tinh thần của các quy định tại nghị định, pháp lệnh, luật) sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và ngược lại. Vì vậy, có thể thấy chất lượng của thông tư sẽ tác động lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh; hoạt động cải cách thể chế có hiệu quả hay không cũng một phần phụ thuộc vào chất lượng của dạng văn bản này.

Đồng quan điểm trên, từ góc độ đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, để môi trường kinh doanh thuận lợi, các DN hoạt động hiệu quả không chỉ cần các đạo luật hay nghị định tốt, mà còn cần các thông tư có chất lượng cao và việc triển khai thực hiện các chính sách trên thực tế nhanh chóng, thuận lợi.

“Do đó, cần tăng cường kiểm soát việc ban hành điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính ở trong các thông tư, cũng như nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành thông tư, để thông tư - vốn là các văn bản quy phạm pháp luật mang tính chất hướng dẫn cho DN không trở thành “rào cản” cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh./.

DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Lo ngại tình trạng chất lượng thông tư kém “hành” doanh nghiệp