Kịp thời phân bổ và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

(BKTO) - Đến cuối tháng 2, 63/63 tỉnh, thành phố T.Ư đã phân bổ đạt 99,96% kế hoạch vốn. Số kế hoạch vốn còn lại Thủ tướng Chính phủ chưa giao là 16.000 tỷ đồng. Hiện Bộ Tài chính đang kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện việc phân bổ kế hoạch vốn và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.




Bộ Tài chính đang kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện việc phân bổ kế hoạch vốn và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Ảnh: V.Tuân

Các địa phương đã phân bổ 99,96% kế hoạch vốn

Tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN Quốc hội giao các địa phương về dự toán NSNN năm 2021 và phân bổ ngân sách T.Ư năm 2021 là 369.413,166 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 255.300 tỷ đồng, vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ địa phương đầu tư theo ngành, lĩnh vực là 98.113,166 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 16.000 tỷ đồng.

Tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 về giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ tổng số vốn là 353.413,166 tỷ đồng (phân bổ toàn bộ vốn ngân sách địa phương và vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ đầu tư theo ngành, lĩnh vực) cho 63 địa phương, đồng thời giao các địa phương phân bổ chi tiết danh mục và mức vốn của từng dự án.

Đến ngày 23/02/2021, 63/63 địa phương đã gửi báo cáo tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 về Bộ Tài chính. Tổng số vốn địa phương đã phân bổ là 353.259,434 tỷ đồng, đạt 99,96% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Số kế hoạch vốn còn lại Thủ tướng Chính phủ chưa giao là 16.000 tỷ đồng (vốn Chương trình mục tiêu quốc gia) do Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Một số địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao do tăng từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết như: Hà Giang, Lào Cai, Hải Phòng, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. Trong khi đó, nhiều địa phương phân bổ vốn ngân sách T.Ư thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là: Gia Lai, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Phước, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang do địa phương mới giao kế hoạch vốn đợt 1, các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Hoàn thiện việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, thúc đẩy tiến độ giải ngân

Năm 2021, để phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn, nhiều địa phương, đơn vị đã triển khai một loạt giải pháp. Chẳng hạn, tại Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về thực hiện đầu tư công vào cuối năm 2020; trong đó yêu cầu các sở, ngành khẩn trương hướng dẫn thực hiện các văn bản mới của T.Ư về quản lý đầu tư xây dựng; UBND các huyện, thị xã, TP. Huế hỗ trợ tối đa quá trình thực hiện các dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư…

Hay tại Đắk Nông, khi nhận được Quyết định giao vốn năm 2021 của UBND tỉnh, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đắk Nông đã kịp thời nhập nguồn vốn vào Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) cho các dự án; đồng thời, yêu cầu KBNN trực thuộc đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chứng từ khi có khối lượng hoàn thành, làm thủ tục thanh toán ngay với KBNN. Bên cạnh đó, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đối chiếu số dư dự toán năm 2020 đối với các dự án được chuyển nguồn sang năm 2021 để chuyển nguồn, kịp thời giải ngân nguồn vốn…

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 của các dự án, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhập kế hoạch vốn trên Tabmis theo đúng quy định.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chủ trì xây dựng chương trình, đề xuất phương án bố trí kế hoạch vốn năm 2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ cho các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các quy định mới liên quan tới quản lý định mức đầu tư.
Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính kiến nghị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán vốn các dự án ngay từ đầu năm; đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2021; chú trọng triển khai các nghị quyết của Chính phủ về giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện.

Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đến KBNN (nơi mở tài khoản) xác nhận vốn năm 2020 còn lại chưa giải ngân để làm thủ tục kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2021; đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2021...

MINH ANH
Cùng chuyên mục
Kịp thời phân bổ và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công