Kinh tế Việt Nam năm 2020 có tiếp đà bứt phá?

(BKTO) - Năm 2019 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam với những con số đạt được hết sức ấn tượng. Khi nền kinh tế năm 2019 là bức tranh sáng, câu hỏi đặt ra là: năm 2020, kinh tế Việt Nam liệu có tiếp đà bứt phá?



Nền kinh tế vẫn cònnhiều thách thức

Sự tiếp đà bứt phá để đạt và vượt các chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thực tế, những thách thức của năm 2019 vẫn còn nhiều và nếu chúng ta không kịp thời có giải pháp để vượt qua thì khó khăn sẽ đè nặng lên nền kinh tế trong năm 2020.

Kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tăng trưởng trên nền tăng trưởng cao của GDP năm 2020 là không hề dễ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn khó khăn, nhiều động lực cho tăng trưởng đã tới hạn.

Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu về kinh tế trong năm 2020- Ảnh: VŨ HOÀNG
Thách thức lớn đối với nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 và những năm tiếp theo là cần phải đổi mới một cách mạnh mẽ mô hình tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng tuy được cải thiện song còn chưa nhiều, chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu còn hạn chế. Chỉ số đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, tốc độ tăng trưởng chưa vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6% hoặc 7 - 8%/năm, Việt Nam gần như không có cơ hội đuổi kịp các nền kinh tế trong khu vực vào năm 2045. Điều này càng đặt ra thách thức cho kinh tế Việt Nam 2020 - năm cuối cùng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020.

Mặt khác, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như: thực trạng DN còn yếu, hoạt động kém hiệu quả; rất nhiều lĩnh vực, trận địa còn bỏ trống. Năm 2019, cứ 10 DN “chào đời” thì có 5 DN “chết lâm sàng” do năng lực yếu, chủ yếu tăng nhanh về cơ học. Dự báo, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi trên tất cả địa phương, biến đổi khí hậu, hạn hán, an ninh nguồn nước. Ngoài ra, nền kinh tế phụ thuộc vào bên ngoài nên mọi biến động của thế giới cũng tác động đến nền kinh tế.

Bên cạnh yếu tố gây áp lực tăng giá như việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình, biến động của giá nhiên liệu trên thị trường thế giới, cộng thêm những bất ổn do tác động của chiến tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị trên thế giới sẽ tạo nhiều sức ép lên nền kinh tế của Việt Nam năm 2020.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra

Năm 2020, Quốc hội đặt chỉ tiêu GDP tăng khoảng 6,8%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP. Để đạt và vượt các chỉ tiêu này, tiếp đà bứt phá của năm 2019, cùng với việc nhận diện rõ những thách thức, khó khăn phải vượt qua, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trước hết, Chính phủ cần tăng cường công tác quản lý thu NSNN, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế và triển khai hóa đơn điện tử; tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn; đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa DNNN.

Việc điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường giám sát, xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa ngân hàng thương mại và DN để ngăn chặn tình trạng các cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại thao túng, chi phối hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng.

Thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản cần được xây dựng minh bạch và lành mạnh; kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa, thiết bị nhập khẩu bằng các hàng rào kỹ thuật phù hợp; phấn đấu cân bằng cán cân thương mại bền vững; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới.

Các Bộ, ngành tập trung tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, tài chính, giá cả thế giới, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời. Công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động; theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong các dịp lễ, Tết hoặc các thời điểm xảy ra thiên tai, bão lũ.

Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, hạn chế tác động chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân; điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác động bất lợi đến CPI; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đẩy nhanh việc hoàn thiện các định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xác định giá dịch vụ theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện dịch vụ vào giá; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, làm bất ổn thị trường.
THÙY LÊ (ghi)
PGS,TS. NGÔ TRÍ LONG - Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
Kinh tế Việt Nam năm 2020 có tiếp đà bứt phá?