Kinh nghiệm triển khai IFRS cho các doanh nghiệp Việt Nam

(BKTO) - Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 345/2020/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc phê duyệt Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) phối hợp với Quỹ Thịnh vượng, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), PwC Việt Nam tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai IFRS - Bài học rút ra từ một dự án được tài trợ bởi Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh”.



                
   

Đại diện PwC Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm áp dụng IFRS với DN

   

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - cho biết: Hiện nay, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp xác định lộ trình, phương án áp dụng cụ thể IFRS cho các loại hình DN.

Trong tháng 11, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo về IFRS dành riêng các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang áp dụng IFRS 9 - một trong những chuẩn mực quan trọng nhất ảnh hưởng lớn đến báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính trên nhiều khía cạnh, từ lợi nhuận đến quy trình quản lý rủi ro và hệ thống công nghệ thông tin.

Bà Lương Thị Ánh Tuyết - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ kiểm toán và tư vấn kế toán, PwC Việt Nam - chia sẻ: Chỉ còn hơn một tháng, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn áp dụng tự nguyện IFRS. DN cần tận dụng giai đoạn này để triển khai sớm và chiếm lợi thế của người đi trước. Tuy nhiên, việc chuyển đổi không phải là đơn giản khi IFRS vốn dĩ phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh đầy biến động của đại dịch Covid-19, đòi hỏi nhiều thông tin cụ thể cũng như các xét đoán và đánh giá chuyên sâu.

“Điểm mấu chốt cho một quá trình chuyển đổi thành công trước tiên nằm ở cam kết mạnh mẽ và chiến lược phù hợp từ ban lãnh đạo. Tiếp theo, DN cần sẵn sàng chuẩn bị những yếu tố cần thiết, từ nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cải thiện quy trình nội bộ đến đào tạo đào tạo nhân sự làm công tác kế toán và cán bộ quản lý” - đại diện PwC Việt Nam nhấn mạnh.

Khuyến nghị thêm với các DN, bà Nguyễn Thụy Minh Châu - Trưởng đại diện ACCA tại Việt Nam - cho rằng, việc nghiên cứu lên kế hoạch chuẩn bị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngay lúc này là thời điểm thích hợp nhất để có thể áp dụng thành công IFRS, đặc biệt là IFRS 1 đối với các loại hình DN tại Việt Nam. ACCA sẵn sàng chia sẻ các chứng chỉ IFRS ở các cấp độ để DN có thể đưa vào chương trình đào tạo và đáp ứng phù hợp nhu cầu áp dụng IFRS. Với lợi thế chương trình văn bằng ACCA xây dựng dựa trên IFRS, các hội viên và học viên ACCA tại Việt Nam sẽ đóng góp ý nghĩa vào lộ trình thực hiện chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các DN đã được nghe đại diện PwC trình bày báo cáo kết quả của Dự án Khảo sát tính sẵn sàng khi áp dụng IFRS của một DN niêm yết cụ thể - Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) với các khía cạnh: Chiến lược và cơ cấu, con người, quy trình, công nghệ; từ đó, thảo luận và chia sẻ các khuyến nghị chính sách áp dụng IFRS cho công ty niêm yết./.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Kinh nghiệm triển khai IFRS cho các doanh nghiệp Việt Nam