Khủng hoảng toàn cầu cản trở đà phục hồi của thị trường lao động

(BKTO) - Những cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên thế giới khiến công cuộc phục hồi thị trường lao động toàn cầu suy giảm rõ rệt, đi kèm với đó là sự gia tăng bất bình đẳng trong nội tại và giữa các quốc gia.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Việc làm đứng trước nguy cơ giảm sâu

Báo cáo nhanh số 9 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Thế giới Việc làm cho thấy sau khi đạt được những thành tựu đáng kể trong quý IV/2021, số giờ làm việc trên toàn cầu của quý I/2022 đã giảm xuống, thấp hơn 3,8% so với mức trước khủng hoảng (quý IV/2019).

Con số này tương đương với mức thâm hụt 112 triệu việc làm toàn thời gian. Điều này thể hiện mức giảm đáng kể so với các số liệu mà ILO đã công bố vào tháng 01/2022.

Những cuộc khủng hoảng toàn cầu mới và có tác động qua lại với nhau, bao gồm lạm phát (đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm), bất ổn tài chính, nguy cơ vỡ nợ và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên trầm trọng hơn do chiến tranh ở Ukraine.

Điều này đồng nghĩa với việc thời giờ làm việc đứng trước nguy cơ giảm sâu hơn nữa trong năm 2022 cũng như để lại những tác động lớn hơn đối với thị trường lao động toàn cầu trong những tháng tới.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã và đang ảnh hưởng đến thị trường lao động không chỉ ở Ukraine, như đã đề cập chi tiết trong một báo cáo tóm tắt mới đây của ILO.

Báo cáo cũng cho thấy sự khác biệt lớn và ngày càng tăng giữa các nền kinh tế vẫn là đặc điểm nổi bật của công cuộc phục hồi này. Các nước thu nhập cao ghi nhận sự phục hồi về số giờ làm việc trong quý I/2022.

Trong cùng thời kỳ, các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp hơn lại phải đối mặt với nhiều trở ngại, với tổng số giờ làm việc vẫn thấp hơn mức tiền khủng hoảng lần lượt là 3,6% và 5,7%. Những xu hướng cách biệt này có thể sẽ còn xấu đi trong quý II/2022.

Ở một số nước đang phát triển, các chính phủ ngày càng gặp khó do thiếu không gian tài khóa và những thách thức về tính bền vững của các khoản nợ, trong khi các DN phải đối mặt với những bất ổn kinh tế, tài chính, còn người lao động vẫn không được tiếp cận đầy đủ các chế độ an sinh xã hội.

Hơn 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người trong thế giới việc làm vẫn đang phải hứng chịu những tác động đối với thị trường lao động.

Thu nhập từ lao động vẫn chưa phục hồi đối với đa số người lao động. Năm 2021, khoảng 3/5 số người lao động sinh sống ở các quốc gia mà thu nhập từ lao động chưa được khôi phục lại mức từng ghi nhận trong quý IV/2019.

Khoảng cách giới trong số giờ làm việc cũng gia tăng trong thời kỳ đại dịch. Trong quý I/2022, khoảng cách giới trong số giờ làm việc toàn cầu là 0,7 điểm phần trăm, cao hơn so với mức trước khủng hoảng (quý IV/2019), thời điểm vốn đã tồn tại một khoảng cách lớn giữa nam giới và phụ nữ.

Phụ nữ làm công việc không chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Xét theo nhóm thu nhập, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ghi nhận mức gia tăng lớn nhất trong khoảng cách giới.

Số lượng công việc cần tuyển người tăng vọt tại các nền kinh tế tiên tiến tại thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khiến thị trường lao động bị siết chặt với tình trạng số lượng vị trí cần tuyển tăng cao hơn so với số người tìm việc.

Nhưng nhìn chung, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy thị trường lao động đang phát triển quá nóng, bởi số lượng lao động thất nghiệp và lao động không được tận dụng đầy đủ tiềm năng vẫn ở mức đáng kể tại nhiều quốc gia.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm trầm trọng những đứt gãy trong sản xuất và thương mại, dẫn đến giá lương thực và hàng hóa tăng cao, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình nghèo và DN nhỏ, đặc biệt là những đối tượng thuộc khu vực kinh tế phi chính thức.

Con người là trung tâm của công cuộc phục hồi

“Công cuộc phục hồi thị trường lao động toàn cầu đã và đang ghi nhận sự đảo chiều. Một công cuộc phục hồi không đồng đều và mong manh đã trở nên bất định hơn trước sự tác động qua lại lẫn nhau của các cuộc khủng hoảng. Tác động đối với người lao động và gia đình của họ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, sẽ ở mức rất nghiêm trọng và có thể dẫn đến tình trạng mất trật tự xã hội và chính trị” - Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder, cho biết.

Cũng theo ông Guy Ryder: “Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải phối hợp cùng nhau và chú trọng xây dựng công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm”.

Báo cáo đề ra một loạt các biện pháp trong thời gian tới, phù hợp với Lời kêu gọi Hành động toàn cầu của ILO về một công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm và sáng kiến của Liên Hợp Quốc do ILO dẫn dắt là Chương trình Tăng tốc toàn cầu về Việc làm và An sinh xã hội. Các biện pháp này bao gồm:

Hỗ trợ kịp thời và hiệu quả để duy trì sức mua của thu nhập từ lao động, mức sống chung của người lao động và gia đình họ.

Khẩn trương tổ chức đối thoại ba bên để hỗ trợ điều chỉnh tiền lương phù hợp và công bằng bao gồm tiền lương tối thiểu, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, hỗ trợ thu nhập và đảm bảo các biện pháp an ninh lương thực khi cần thiết.

Điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô một cách cẩn trọng để giải quyết những sức ép liên quan đến lạm phát và tính bền vững của các khoản nợ, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi bao trùm và tạo ra nhiều việc làm.

Hỗ trợ cho các nhóm và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, những người lao động đặc biệt dễ bị tổn thương và những người đang chuyển dịch từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức.

Các chính sách theo ngành mang tính dài hạn, được thiết kế tốt nhằm thúc đẩy tạo việc làm xanh và thỏa đáng, hỗ trợ tính bền vững và bao trùm, đồng thời trợ giúp các DN, đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa./.
THÀNH ĐỨC


Cùng chuyên mục
  • Các Bộ trưởng Thương mại APEC thảo luận nhiều nội dung quan trọng
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Hội nghị Bộ trưởng Thương mại (MRT) APEC lần thứ 28 vừa diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Băng Cốc, Thái Lan, từ ngày 21-22/5 với sự tham dự của 21 nền kinh tế thành viên APEC và các quan sát viên gồm: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương.
  • Tăng học phí, đồng thuận chủ trương, nhưng cần tính toán toán phù hợp
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Chuẩn bị kế hoạch tài chính cho năm học mới, nhiều cơ sở giáo dục đại học, địa phương đã công bố dự kiến mức tăng học phí. Đồng tình với chủ trương chung, song người dân và giới chuyên gia giáo dục cũng cho rằng việc tăng học phí đồng loạt, ở mức cao sẽ gây khó khăn cho người dân, sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 chưa được khắc phục.
  • Ngưỡng giá gói thầu trong một số FTA cao nhất là 2.123,9 tỷ đồng
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố ngưỡng giá của các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA).
  • Tăng cường dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Một dự án Kho xăng dầu quy mô 80.000m3 vừa được bổ sung vào Quy hoạch hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
  • Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng theo tháng và giờ từ ngày 1/7
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất từ ngày 01/7, lương tối thiểu vùng theo tháng tăng thêm 6% so với mức hiện hành và lương tối thiểu theo giờ gồm 4 mức, tương ứng với 4 vùng.
Khủng hoảng toàn cầu cản trở đà phục hồi của thị trường lao động