Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành xây dựng

(BKTO) - Kết quả điều tra 6.975 DN ngành xây dựng tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN gặp rất nhiều khó khăn kể từ đầu tháng 5 đến nay. Cùng với việc không có công trình mới, có công trình nhưng không thể thi công là nhiều công trình thi công chậm tiến độ và nhiều công trình bị tạm dừng thi công do yêu cầu về giãn cách xã hội của chính quyền địa phương…



                
   

Các DN ngành xây dựng đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: VGP

   

Doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn

Theo kết quả điều tra, trong quý III/2021, có tới 68,6% DN xây dựng cho biết tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn quý II; 21,4% DN cho rằng vẫn ổn định, chỉ có 10% DN sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.

Dự báo cho quý IV/2021, chỉ có 13,6% DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, 22,5% DN nhận định giữ ổn định, trong khi đó có tới 63,9% DN nhận định khó khăn hơn.

Quý III/2021, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên cả nước đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN xây dựng, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phố phía Nam và Hà Nội.

Chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý III/2021 giảm sâu với mức -58,6%. Trong đó, 31/63 địa phương có chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất kinh doanh thấp hơn mức bình quân chung cả nước, trong đó giảm mạnh nhất là TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Nai, Cà Mau, Cần Thơ. Chỉ có 4/19 tỉnh có chỉ số cân bằng cao hơn mức bình quân chung cả nước là Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu.

         
Việc TP. Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp giãn cách từ ngày 31/5 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN xây dựng trên địa bàn. Trong quý III/2021, chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất kinh doanh -82% (có tới 84,7% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn quý II/2021, chỉ có 2,8% đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn).
Theo nhận định của các DN, hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2021 có dấu hiệu khả quan hơn, nhưng chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất kinh doanh vẫn -50,3%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trở ngại lớn nhất của các DN xây dựng đang hoạt động đó là khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn nguyên, vật liệu và vốn cho sản xuất kinh doanh. Để các DN xây dựng có thể phục hồi và tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, các nhà thầu xây dựng kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp cần có chính sách hỗ trợ DN xây dựng, giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19.

Chi phí không ngừng gia tăng

Kết quả khảo sát cho thấy, 39,8% DN nhận định chi phí nhân công trực tiếp tăng, 42,5% DN nhận định là không thay đổi, chỉ có 17,7% DN nhận định giảm so với quý II/2021.

Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp dùng cho hoạt động sản xuất trong các DN xây dựng cũng tăng và chi phí này luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất (51,9% trong quý III/2021) trong tổng chi phí sản xuất của DN. Cụ thể, có 49,6% DN nhận định chi phí nguyên vật liệu tăng, 33,1% DN cho biết không thay đổi và 17,3% DN cho biết chi phí nguyên vật liệu trực tiếp giảm so với quý II/2021.
                
   

Giá nhiều nguyên vật liệu ngành xây dựng đã tăng mạnh. Ảnh minh họa: BXD

   

Chính vì vậy, tổng chi phí sản xuất trên 1 đơn vị sản phẩm của nhiều DN đã bị tăng. Kết quả khảo sát cho thấy, 48,3% DN bị tăng chi phí sản xuất trên 1 đơn vị sản phẩm, chỉ 33,5% DN nhận định không thay đổi và 18,2% DN nhận định tổng chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm giảm.

Nhận định tình hình quý IV/2021, có 34,7% DN dự báo chi phí nhân công trực tiếp sẽ tăng; 45,2% DN dự báo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng; 43,5% DN dự báo tổng chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng.

Hơn nữa, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài, nhiều DN xây dựng dừng hoạt động nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay ngân hàng. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm làm cho DN xây dựng gặp khó khăn về vốn. Với những khó khăn này, nhiều DN xây dựng đã phải ngừng hoạt động hoặc dự định ngừng hoạt động, nhiều DN đã làm thủ tục giải thể hoặc chuyển ngành nghề kinh doanh khác.

Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, các DN ngành xây dựng kiến nghị cần nhanh chóng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để DN sớm trở lại hoạt động bình thường.Đồng thời tạo điều kiện về pháp lý và các thủ tục hành chính để DN tiến hành sản xuất kinh doanh thuận lợi.

Trong số các giải pháp, cần chú trọng tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn bằng cách tiếp tục kéo dài thời gian giảm lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ vay ngân hàng lãi suất thấp; giảm lãi suất cho DN đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải tạm ngừng hoạt động; thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Cùng với việc miễn giảm thuế, phí, kéo dài thời gian nộp thuế, lệ phí; gia hạn, lùi thời gian nộp thuế cho DN; giảm mức tính lãi chậm nộp thuế cho DN, các cơ quan chức năng cần có ngay các chính sách để bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng.

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành xây dựng