Hoàn thiện cơ chế để hình thành thị trường mua bán tín chỉ carbon

(BKTO) - Theo thống kê, chỉ riêng năm 2019, nguồn thu từ thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới đã đạt mốc 45 tỷ USD. Mặc dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều dư địa thị trường về lĩnh vực này nhưng mức độ khai thác còn sơ khai. Do đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để hình thành thị trường mua bán tín chỉ carbon hoàn chỉnh là yêu cầu đặt ra.




Nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức nhằm hoàn thiện cơ chế hình thành thị trường carbon. Ảnh: TS

Tiềm năng thị trường lớn

Giới chuyên gia môi trường phân tích, 2 lĩnh vực có thể đưa ngay vào khai thác nguồn thu cho thị trường mua bán tín chỉ carbon là sản xuất thép và xử lý chất thải rắn. Với ngành thép, hiện cả nước có trên 300 DN nhỏ và vừa sản xuất gang thép. Ngành này đang duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, ước khoảng 18%/năm cho nguyên liệu sản xuất và 20% cho tiêu dùng. Tuy nhiên, việc ưu tiên đầu tư phát triển mạnh ngành này trong khoảng thời gian dài nhưng thiếu kiểm soát chặt chẽ về công nghệ sản xuất đã khiến lượng phát thải ngày càng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Khảo sát của Vụ Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho thấy, trung bình để sản xuất 10 triệu tấn thép, các nhà máy tại Việt Nam phát thải ra môi trường khoảng 21 triệu tấn khí CO2. Theo ước tính, đến năm 2025, phát thải toàn ngành thép ước khoảng 122,5 triệu tấn CO2 và đến năm 2030 tăng lên khoảng 133 triệu tấn CO2, chiếm 17% tổng khí phát thải toàn quốc. Nguyên nhân của tình trạng này là do phần lớn nhà máy sản xuất thép đang phụ thuộc nguồn nguyên liệu hóa thạch hoặc điện.

Còn với lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm lượng chất thải rắn phát sinh trên toàn quốc khoảng 12 triệu tấn. Đáng quan ngại, 90% tổng lượng chất thải rắn phải xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Trong khi đó, kết quả kiểm kê khí nhà kính đối với các hoạt động xử lý chất thải rắn do Bộ Xây dựng thực hiện cho thấy, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát sinh từ bãi chôn lấp rác tăng từ 6,5 triệu tấn CO2 (năm 2014) lên 8,1 triệu tấn (năm 2017).

Điều đáng nói, theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Tuấn Quang, ngành thép chỉ cần chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thay cho nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch thì đã có thể giảm 13,5%/tổng lượng khí phát CO2. Nếu sử dụng than sinh khối, tỷ lệ này sẽ giảm 25%. Đặc biệt, nếu sử dụng điện tái tạo trong công nghệ luyện thép bằng lò điện hồ quang, khả năng giảm phát thải khí còn lên đến 70%. Với lĩnh vực xử lý chất thải rắn, theo ước tính, nếu sử dụng công nghệ thu hồi khí metan để sản xuất điện từ rác chôn lấp có thể giúp giảm tới 60% lượng khí thải phát sinh trong quá trình chôn lấp. Thậm chí, nếu rác thải được phân loại kết hợp ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện thì lượng khí thải phát sinh có thể giảm đến 90%.

Tạo cơ sở cho việc hình thànhthị trường tín chỉ carbonhoàn chỉnh

Nhiều năm nay, Việt Nam sản xuất được tín chỉ carbon và đã bán nhưng những giao dịch này chưa được chú ý nhiều. Trong khi đó, từ năm 2021, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Như vậy, DN, đơn vị phát thải lớn bắt buộc phải đầu tư các giải pháp giảm phát thải, chắc chắn, chi phí không hề nhỏ.

Các DN cho hay, để hình thành thị trường mua bán tín chỉ carbon hoàn chỉnh, trước hết, phải định giá carbon. Đây là điều kiện cần và đủ để nhà đầu tư và DN mua bán tín chỉ. Mặt khác, cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và ước tính phát thải cấp quốc gia, vùng, ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp đó, xây dựng và ban hành bộ tiêu chí xác định hạn mức phát thải khí nhà kính đối với từng ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất.

Ngoài ra, giới chuyên gia môi trường khuyến nghị, Chính phủ cần thắt chặt hơn công tác kêu gọi, thu hút đầu tư cũng như cải tiến công nghệ sản xuất vốn đã lạc hậu tại các DN, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài và là nơi an toàn để dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mới đây, tại sự kiện Công nghệ quốc gia Techfest 2020, Dự án Sàn Giao dịch Tín chỉ carbon chính thức ra mắt, hướng tới xây dựng một sàn giao dịch dựa trên công nghệ Blockchain 4.0 dành cho các loại hàng hóa đặc biệt như: tín chỉ carbon, chứng chỉ xanh, trái phiếu xanh. Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Nguyên Vũ Trung Kiên - đơn vị triển khai Dự án - cho biết, việc công nhận tín chỉ carbon như một loại hàng hóa và tài sản là điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ngoài ra, cần những luật khác công nhận điều này. Hiện nay, việc công nhận và phát hành tín chỉ carbon vẫn phụ thuộc vào bên thứ 3 là các tổ chức hoặc các cơ chế tín chỉ quốc tế. Hình ảnh của bên bán ở Việt Nam còn khá mờ nhạt.

Theo ông Kiên, Dự án Sàn Giao dịch Tín chỉ carbon được kỳ vọng sẽ cải thiện vấn đề này trong thời gian tới. Dự kiến cuối năm 2021, Sàn sẽ bắt đầu thực hiện các giao dịch. Thời gian này, Công ty sẽ tư vấn cho các DN thấy được lợi ích khi tham gia mua bán tín chỉ carbon cũng như cập nhật thông tin các bên đang tạo nguồn tín chỉ lên sàn và những giao dịch đã có. Công ty sẽ ưu tiên các tín chỉ đã có xác nhận của cơ quan nhà nước hoặc một tổ chức quốc tế. Có thị trường sẽ giúp tín chỉ của Việt Nam dễ trao đổi, mua bán hơn!
         
Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu phát thải khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác. Mỗi tín chỉ giới hạn lượng phát thải đến một tấn CO2. Mục tiêu của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Doanh nghiệp cần thích ứng để phát triển
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Thời gian qua, hàng trăm nghìn DN đã dừng hoặc tạm dừng hoạt động, một phần là do Covid-19, nhưng một phần không nhỏ khác là do chính sức khoẻ của DN không vượt qua “ngưỡng chống đỡ”. Với các DN đã vượt qua ngưỡng, việc vừa ứng phó, phục hồi, vừa phát triển, lại thêm bước chuyển đổi số sẽ tạo ra nội lực đủ mạnh để có thể trụ vững trong thời gian tới.
  • Lợi nhuận Quý IV/2020 của BSR vượt mức 1.200 tỷ đồng
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Quý IV/2020, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chỉ ghi nhận 17.123 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 40,7% so với Quý IV/2019 nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện 1,37 điểm phần trăm giúp BSR thu về 1.389,6 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
  • Để dữ liệu trở thành “tài sản chiến lược” của các ngân hàng
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Dữ liệu và quản trị dữ liệu đóng vai trò quan trọng đối với mọi tổ chức trong nền kinh tế. Đặc biệt, với ngân hàng - một trong những ngành sở hữu khối lượng dữ liệu lớn, cũng là ngành đi đầu xu hướng chuyển đổi số - quản trị dữ liệu trở thành vấn đề sống còn. Tuy vậy, nhiều ngân hàng vẫn chưa định hình được rõ nét giá trị của “tài sản chiến lược” này.
  • CIEM: Cải thiện tự chủ của nền kinh tế để thu hút lợi ích từ RCEP
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Để nâng cao hiệu quả thực thi RCEP, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất các kiến nghị về cải cách thể chế trong trung và dài hạn tại Việt Nam có gắn với tăng cường mức độ tự chủ của nền kinh tế.
  • Ứng viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ hối thúc thông qua gói kích thích mới
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Bà Janet Yellen cho rằng về lâu dài lợi ích đạt được sẽ vượt xa chi phí, đặc biệt nếu chính quyền quan tâm đến việc hỗ trợ những người dân đã và đang phải chật vật trong thời gian dài.
Hoàn thiện cơ chế để hình thành thị trường mua bán tín chỉ carbon