Hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19: Những giải pháp từ ngành ngân hàng

(BKTO) - Miễn, giảm lãi vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng; khuyến khích người dân, DN thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy phát triển ngân hàng số… là những giải pháp được ngành ngân hàng đưa ra để chia sẻ khó khăn, đồng hành với DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19).




Thanh toán điện tử để hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Tuân

Giảm lãi suất, miễn,giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử

Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống có biện pháp hỗ trợ người dân, DN do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tập trung vào các giải pháp rất thiết thực như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh; tích cực giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đồng thời khuyến khích người dân, DN thanh toán không dùng tiền mặt.

Với tinh thần đó, hệ thống ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, DN. Nhiều ngân hàng thương mại đã công bố giảm lãi suất, hỗ trợ DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, từ ngày 11/02 đến hết 30/4/2020, ngân hàng sẽ giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19. Theo đó, Vietcombank sẽ hỗ trợ các khách hàng kinh doanh thuộc những lĩnh vực vận tải, dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu, nhất là các khách hàng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất ngành da giày, dệt may… từ Trung Quốc. Đối với khách vay hiện hữu, Vietcombank sẽ giảm 1%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, còn khoản vay trung, dài hạn 1,5%/năm với đồng Việt Nam. Với các khoản vay USD, lãi suất cho vay ngắn hạn được giảm 0,5%/năm, còn khoản vay trung và dài hạn giảm 0,75%/ năm. Ngoài ra, với các khoản vay mới, Vietcombank sẽ giảm 1%/năm bằng đồng Việt Nam và 0,5%/năm bằng USD. Dự kiến quy mô dư nợ tín dụng được hạ lãi suất với các khách hàng hiện hữu khoảng 30.000 tỷ đồng. Ước số tiền giảm lãi vay cho đợt này khoảng 300 - 450 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietcombank cũng sẽ giãn thời hạn trả nợ và không tính lãi phạt đối với khách hàng bị thiệt hại do dịch bệnh này.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) cũng quyết định giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm…

Cùng với giảm lãi suất cho vay, Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã xây dựng Chương trình miễn, giảm phí dịch vụ, gồm: miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến các dịch vụ công (dự kiến áp dụng đến hết tháng 12/2020); giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch (dự kiến áp dụng từ ngày 25/02/2020). Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng thông báo giảm mức thu dịch vụ từ tháng 01 đến tháng 4/2020, giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm chi phí, hạ lãi suất đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và DN. Mức giảm theo bậc thang từ 5% đến 20% tổng mức thu dịch vụ thông tin tín dụng theo từng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cơ hội thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Bên cạnh ý nghĩa chia sẻ khó khăn cùng DN và người dân, NHNN cũng như nhiều chuyên gia nhìn nhận, dưới tác động của dịch Covid-19 và những giải pháp thiết thực của ngành ngân hàng sẽ khuyến khích người dân, DN thanh toán không dùng tiền mặt, giảm thanh toán bằng tiền mặt, do tiền mặt được nhận định là tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan vi khuẩn, virus.

Nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ công trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều ngân hàng đã đưa ra các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử và chính sách miễn giảm phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch online. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), các kênh ngân hàng điện tử của BIDV hỗ trợ thực hiện nhiều giao dịch như: tra cứu số dư, chuyển tiền, nạp tiền hoặc thanh toán các loại hóa đơn gia đình. Đồng thời, khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính như gửi tiết kiệm, vay tiền online; Ngân hàng duy trì chính sách không thu phí đăng ký và phí duy trì dịch vụ BIDV online, BIDV SmartBanking. Khách hàng còn được nhận thêm lãi suất 0,2%/năm khi gửi tiết kiệm online với mọi kỳ hạn từ ngày 14/02 đến 30/4/2020…

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng khuyến khích khách hàng chuyển sang giao dịch online nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Đại diện TPBank cho biết, về mặt công nghệ, việc đẩy mạnh ngân hàng tự động, dùng Internet Banking cũng giúp giảm thiểu lây lan, hạn chế việc tiếp xúc đông người, hạn chế việc tiếp xúc vật lý với những nguồn lây nhiễm virus… Một số ví điện tử như MoMo khuyến cáo khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, ưu tiên chọn lựa các phương thức, các kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống dịch Covid-19.

Việc miễn, giảm phí của các bên cung ứng dịch vụ sẽ khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; góp phần thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng và thanh toán của người dân. Đây chính là cơ hội để thúc đẩy nhanh việc hiện thực hóa mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19: Những giải pháp từ ngành ngân hàng