Giải pháp chính sách thận trọng trong và sau dịch Covid-19

(BKTO) - Kinh tế Việt Nam quý I/2020 ít nhiều thể hiện sự suy giảm tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu, thu hút FDI... so với cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân chính là do những tác động của đại dịch Covid-19. Trong các quý tiếp theo, kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Khả năng ảnh hưởng còn phụ thuộc vào việc dịch bệnh kéo dài bao lâu và mức độ lây lan/khả năng phòng chống của các nước.



Kinh tế thế giới, trong nướcnhiều biến động

Việt Nam bước vào năm 2020 với không ít kỳ vọng và hứng khởi, đặc biệt sau khi đạt được những kết quả phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng trong năm 2019. Nhưng những kỳ vọng và hứng khởi ấy nhanh chóng nhường chỗ cho sự tập trung ứng phó với những diễn biến nhanh và phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước trong quý I/2020, như: diễn biến của dịch Covid-19, giá hàng hóa trên thị trường thế giới giảm, gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và một loạt động thái tài khóa - tiền tệ của các nền kinh tế chủ chốt... Tuy nhiên, tác động đối với kinh tế Việt Nam trong quý I chưa quá lớn do giai đoạn tác động còn ngắn và Chính phủ đã nhanh chóng đánh giá tình hình, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo quyết liệt để ứng phó với dịch bệnh, hạn chế tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Từ quý II, kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, độ mở cao và xuất nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào một số thị trường truyền thống, do vậy, tác động đối với DN là không thể tránh khỏi. DN đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Nếu không tháo gỡ kịp thời, một bộ phận DN khó có thể trụ vững cho đến khi hết dịch.

Một hệ lụy kèm theo là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Thảo luận chính sách về hỗ trợ các nhóm đối tượng (DN, người nghèo, lao động mất việc...) đã và đang diễn ra với tần suất tương đối dày. Một số gói, biện pháp hỗ trợ về tín dụng đã được phê duyệt, triển khai; một số gói, biện pháp hỗ trợ về tài khóa cho các đối tượng xã hội có thể sẽ được phê duyệt và thực thi trong thời gian tới. Hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và DN, người lao động, người dân là cần thiết, tuy nhiên, tư duy hỗ trợ cần bảo đảm kịp thời, tập trung và đúng liều lượng.

Giải pháp chính sáchcần thận trọng

Cần lưu ý, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn những diễn biến phức tạp mà dịch bệnh chỉ là một tác nhân. Do đó, các giải pháp chính sách ứng phó với tình hình cần đảm bảo sự thận trọng cần thiết. Chính ở đây, việc cân nhắc thực hiện và theo dõi thực hiện các gói, biện pháp hỗ trợ càng phải dựa trên cơ sở cân nhắc rộng hơn các kịch bản kinh tế và tương tác giữa chính sách của các nền kinh tế chủ chốt - điều mà Việt Nam đã thực hiện hiệu quả trong những năm qua. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tư duy cụ thể hơn về các chính sách, biện pháp kinh tế thời kỳ hậu Covid-19. Ổn định kinh tế vĩ mô có ý nghĩa quan trọng để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư và người dân, đồng thời tạo thuận lợi cho cải cách kinh tế. Cải cách nền tảng kinh tế vi mô hướng kinh tế thị trường là một yêu cầu cần thiết và vẫn cần duy trì đà thực hiện. Yêu cầu càng phải nhanh hơn để tiếp cận và tận dụng các cơ hội mới từ Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế là một yêu cầu không kém quan trọng để bảo đảm các DN còn quan tâm và còn khả năng tận dụng cơ hội từ tiến trình này. Đặc biệt, đón đầu sự dịch chuyển của chuỗi giá trị là rất cần thiết, song cần xử lý hài hòa để vừa giữ ổn định tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, vừa giảm được sự phụ thuộc vào một/một vài thị trường. Những yêu cầu này là không mới và đã được thực hiện nhất quán trong nhiều năm qua; vấn đề là làm sao bảo đảm được bước chuyển hài hòa, gắn với duy trì đồng thuận xã hội, từ chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 sang những yêu cầu cải cách căn bản.

Một số định hướng chính sách phù hợp là thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, cập nhật các kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô. Lưu tâm hơn đến đánh giá thiệt hại từ Covid-19 trên nhiều phương diện để từ đó xác định chính sách và liều lượng phù hợp. Thực thi các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 một cách quyết liệt đi đôi với củng cố niềm tin xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời, chính xác, tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân. Thực thi các chính sách tài khóa nới lỏng có kiểm soát, đồng bộ và phối hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tăng tiếp cận tín dụng cho DN nhỏ và vừa, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, thực hiện các chính sách, biện pháp giúp giảm chi phí đầu vào cho DN. Tăng cường kỷ luật, xử lý để loại bỏ chi phí không chính thức cho DN. Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách đầy đủ, hiệu quả nhằm tạo sức bật cho nền kinh tế trong năm 2020 và các năm tiếp theo, đồng thời tạo áp lực cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn vốn công. Nghiên cứu định hướng và các giải pháp mạnh mẽ để cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu. Điều này đòi hỏi phải có chính sách công nghiệp đủ tập trung và khả thi, tư duy lại về chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội từ dịch chuyển chuỗi giá trị khỏi Trung Quốc, kết hợp với thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Đồng thời nghiên cứu các chính sách, giải pháp nhằm phát triển kinh tế giai đoạn hậu Covid-19, trong đó có các yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng các cơ hội phát triển từ Cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ hội kinh doanh, khai thác hiệu quả các FTA. Tổ chức thực hiện hiệu quả, tập trung các biện pháp an sinh xã hội; thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình an sinh xã hội và các biện pháp hỗ trợ để có điều chỉnh phù hợp.
TS. TRẦN THỊ HỒNG MINH
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Q.ANH (lược trích)
Cùng chuyên mục
  • Luật PPP:  Cần cơ chế mở để thu hút đầu tư
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Với quan điểm cởi mở để hấp dẫn nhà đầu tư song phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, tại phiên thảo luận, cho ý kiến lần thứ 2 về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung trong Dự thảo Luật.
  • Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích  của người lao động
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Hệ thống pháp luật về lao động không ngừng được hoàn thiện theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động (NLĐ); Nhà nước đồng hành, lắng nghe nguyện vọng và kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho NLĐ… Những hoạt động thiết thực đó đã góp phần tạo niềm tin, khích lệ NLĐ vượt qua khó khăn, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
  • PETROVIETNAM: Chung sức cùng cộng đồng chống dịch
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) Dù trong bối cảnh ngành Dầu khí đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất lịch sử, người Dầu khí vẫn luôn phát huy tinh thần, văn hóa dầu khí, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.
  • Năm triệu người lao động đã bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong 4 tháng đầu năm, số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệch Covid-19 lên tới gần 5 triệu người. Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cũng là ngành nghề đang bị ảnh hưởng nặng nề khi nhu cầu về các sản phẩm này đều giảm mạnh.
  • Hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm mạnh
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), hiện đã có khoảng 6.650 doanh nghiệp được giảm lãi với trên 126.000 tỷ đồng và 355.000 doanh nghiệp được vay lãi suất mới thấp với gần 179.000 tỷ đồng. Việc giảm lãi suất cho khách hàng đã kéo giảm lợi nhuận của nhiều ngân hàng xuống, nợ xấu tăng cao.
Giải pháp chính sách thận trọng trong và sau dịch Covid-19