EVFTA - “Đường cao tốc” xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và EU

(BKTO) - Khẳng định lợi ích mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) mang lại, các chuyên gia nhận định, đối với Việt Nam, tuyến “đường cao tốc” này sẽ đưa hàng hóa trong nước đến châu Âu và đón dòng hàng chất lượng cao, vốn đầu tư từ hướng ngược lại. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là con đường này có vận hành suôn sẻ hay không lại phụ thuộc vào các cơ quan quản lý nhà nước và chính các DN.




DN phải trải qua thách thức để tìm được những con đường kết nối họ đi vào “đường cao tốc” EVFTA. Ảnh: TTXVN

Đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác Việt Nam - EU

Bình luận khi EVFTA chính thức được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ví von, EVFTA sẽ là con “đường cao tốc” quy mô lớn giúp đẩy nhanh tốc độ, quy mô hợp tác, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) - cho rằng, hình ảnh “đường cao tốc” mà Thủ tướng đưa ra chứa đựng rất nhiều hàm ý. Đó có nghĩa là đi lại thuận lợi, nhanh và dường như không có rào cản nào để kết nối hai nền kinh tế. “Đường cao tốc” EVFTA sẽ giúp DN “đi” nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh trong quá trình xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang EU và ngược lại, nhất là cạnh tranh về giá. Nhưng để đi được trên con đường đó, DN cần phải xác định rõ “đường cao tốc” là có phí, tất nhiên cũng có thể có trường hợp ưu tiên, nhưng đa phần DN phải chi phí để điều chỉnh sản xuất, thay đổi để đáp ứng những điều kiện nhất định của thị trường theo đúng cam kết của Hiệp định. Là “đường cao tốc”, nhưng DN có đi lên con đường đó không lại phụ thuộc vào chính DN. Nếu DN lựa chọn con đường đó thì họ phải trải qua thách thức là tìm được những con đường kết nối họ đi vào “đường cao tốc”.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, ở giai đoạn trước, chúng ta thường so sánh hội nhập kinh tế quốc tế (dấu mốc quan trọng là gia nhập WTO) với “vươn ra biển lớn” và quy tắc của hiệp định thương mại về cơ bản dựa trên những quy tắc đa phương. Nhưng giai đoạn gần đây, quan hệ hợp tác về kinh tế thương mại giữa các nước đã có những thay đổi cơ bản. Ngoài việc áp dụng quy tắc đa phương còn có hợp tác giữa khu vực với khu vực hoặc giữa một nước với một khu vực hoặc một nước với một nước, tức là có những quan hệ chặt chẽ hơn ở góc độ song phương. EVFTA chính là kết nối giữa hai nền kinh tế, một kết nối hợp tác song phương. Thủ tướng ví EVFTA với hình ảnh “đường cao tốc” thể hiện đây là kết nối hợp tác ở cấp độ cao hơn rất nhiều so với kết nối thông thường, bởi EVFTA chứa đựng những tiêu chuẩn rất cao. Chính vì vậy, EVFTA được so sánh với “đường cao tốc” để thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ, mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU.

Cơ hội kèm theo nhiềuthách thức

Chia sẻ với cộng đồng DN về những khó khăn mà các DN đang phải gánh chịu do tác động, ảnh hưởng từ dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Thu Trang bày tỏ, tôi rất mong các DN cố gắng vượt qua giai đoạn này để tiếp tục phát triển ở giai đoạn sau. EVFTA sẽ là một trong những con đường để DN thoát ra khỏi khó khăn, tiếp tục phát triển, khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu.

Ngày 12/02/2020, Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA. Hiện Hiệp định này còn chờ Quốc hội Việt Nam thông qua, dự kiến vào cuối tháng 5/2020. Nếu Quốc hội thông qua và Việt Nam kịp làm thủ tục thông báo với Liên minh châu Âu trước ngày 01/6 thì có thể ngay từ thời điểm 01/7, EVFTA chính thức đi vào thực thi. Các chuyên gia nhận định, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp rộng khắp trên toàn cầu nên nhu cầu thị trường bị giảm sút. Tuy nhiên, sau khi đại dịch qua đi, nhu cầu chắc chắn sẽ tăng và có thể còn lớn hơn nữa. Vì vậy, EVFTA có hiệu lực vào thời điểm đó sẽ tạo một cú hích rất tốt.

Theo ông Lương Hoàng Thái, một trong những cách giúp DN khôi phục nhanh là tạo ra thị trường. Vì vậy, việc phê chuẩn EVFTA vẫn đang được Việt Nam thúc đẩy rất mạnh mẽ. Hiện, Hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn đang được Chính phủ lấy ý kiến. Bộ Công Thương hy vọng Chính phủ sớm có được Nghị quyết chính thức thông qua bộ Hồ sơ này để kịp thời trình Chủ tịch nước và trình Quốc hội trước kỳ họp tháng 5/2020.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, song song với quá trình đó, các Bộ, ngành cũng phải thúc đẩy mạnh mẽ công tác chuẩn bị về mặt pháp lý để có thể thực thi ngay khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Đồng thời, rất nhiều công tác chuẩn bị khác, từ việc xây dựng năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, chuẩn bị cho DN để có thể tận dụng được cơ hội từ Hiệp định cũng cần được triển khai. Bởi Hiệp định chỉ tạo ra tiền đề để chúng ta có khả năng sử dụng cơ hội, còn việc sử dụng như thế nào thì tùy thuộc rất nhiều ở năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như của các DN.

Đưa ra khuyến nghị, bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh, có 2 vấn đề mà các DN phải phân biệt rõ, một là quy tắc xuất xứ và hai là tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, quy tắc xuất xứ là điều kiện để DN có thể được hưởng ưu đãi thuế quan. Mỗi một nhóm hàng hóa có quy tắc riêng. Trong các quy tắc đó rất nhiều yếu tố chi tiết, cụ thể. Nếu hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ vẫn có thể được xuất khẩu sang châu Âu như bình thường nhưng không được hưởng những ưu đãi này. Còn tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm là nhóm quy định áp dụng chung cho tất cả, nếu hàng hóa không đáp ứng được những yêu cầu đó thì không thể nhập khẩu vào EU.
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Ngân sách nhà nước hao hụt bởi Covid-19
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Dịch Covid-19 đã làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tại Việt Nam, đặc biệt là một số lĩnh vực như: xuất khẩu, du lịch, hàng không… chịu ảnh hưởng nặng nề. Điều này khiến nhiều địa phương trên cả nước gặp khó khăn trong thu ngân sách.
  • Mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm 2020 là hoàn toàn khó khăn
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định hiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao.
  • VN-Index khả năng tiếp tục giảm quanh ngưỡng hỗ trợ 640 điểm
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Từ ngày 23/3-27/3 thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch trung tính với hai phiên giảm điểm hồi đầu tuần và ba phiên hồi phục liền sau đó. VN-Index xác lập mức cao nhất 703,22 điểm và thấp nhất là 652,27 điểm. Sau cả tuần, chỉ số này đã mất 13,67 điểm (giảm tương ứng 1,9%) và xuống 696,06 điểm.
  • Có tới 18.600 doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh trong quý 1
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Báo cáo kinh tế-xã hội từ Tổng cục thống kê đưa ra ngày 27/3 cho biết nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19.
  • Tháng Ba: CPI giảm 0,72% do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và cuộc chiến giá dầu giành thị phần thế giới giữa Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với Nga làm cho giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, nguồn cung gia cầm dồi dào là các nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba giảm 0,72% so với tháng Hai và tăng 0,34% so với tháng 12/2019. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 năm nay đã tăng 4,87%.
EVFTA - “Đường cao tốc” xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và EU