EVFTA - cơ hội và thách thức đối với ngân hàng Việt

(BKTO) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và sẽ chính thức có hiệu lực trong vài tháng tới. Theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh tác động tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, EVFTA mở ra cơ hội thu hút vốn ngoại, nâng cao năng lực quản trị song cũng đặt ra không ít thách thức đối với các ngân hàng Việt Nam.




EVFTA đặt ra không ít thách thức đối với các ngân hàng Việt Nam. Ảnh minh họa

Cơ hội thu hút vốn ngoại, nâng cao năng lực quản trị

Một trong những cam kết từ EVFTA là trong vòng 5 năm đầu sau khi Hiệp định này có hiệu lực, Việt Nam sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) đến từ Liên minh châu Âu (EU) mua 49% cổ phần của 2 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Việt Nam, ngoại trừ 4 NHTMCP có vốn nhà nước. TS. Cấn Văn Lực cùng Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, điều này mở ra cơ hội cho các NHTMCP, đặc biệt là các ngân hàng đang khát vốn chủ sở hữu để đáp ứng chuẩn Basel 2 (Hiệp ước về vốn của Uỷ ban Basel).

Bà Nguyễn Anh Thơ - Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam - cũng cho rằng, hiện nay, các ngân hàng nội đang đứng trước áp lực tăng vốn và nâng cao năng lực quản trị nhằm đáp ứng các chuẩn mực khắt khe của Basel 2. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại phần lớn các ngân hàng đều đã đạt hoặc gần chạm ngưỡng tối đa 30% theo quy định. Do vậy, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, việc các TCTD trong EU được sở hữu đến 49% cổ phần tại 2 ngân hàng Việt sẽ giúp nới lỏng room ngoại, tạo cơ hội cho các ngân hàng thu hút nguồn lực đầu tư, cải thiện tỷ lệ an toàn vốn.

Cùng với khả năng thu hút nguồn vốn chất lượng để đẩy mạnh phát triển kinh doanh, theo các chuyên gia, sự tham gia của những đối tác chiến lược EU sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng trong nước tiếp cận bộ máy quản trị và công nghệ hiện đại cũng như quy trình, nghiệp vụ quản trị rủi ro; quản lý tín dụng, tài sản và đầu tư; kiểm toán nội bộ theo chuẩn quốc tế.

Ngoài quy định liên quan đến sở hữu cổ phần nêu trên, EVFTA còn cam kết mở cửa thị trường với các dịch vụ tài chính mới và cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính EU chuyển thông tin ra/vào Việt Nam; cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính EU thành lập tại Việt Nam tiếp cận dịch vụ thanh toán, bù trừ, các phương thức tài trợ và tái cấp vốn có sẵn (các phương thức huy động vốn thông thường trên thị trường như: phát hành trái phiếu, vay vốn từ NHTM, vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước). “Điều khoản này dự kiến có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính), Mobile money (dịch vụ tiền di động). Đây là động lực để các Fintech và ngân hàng Việt Nam đổi mới, phát triển nhanh chóng hơn; đẩy nhanh tiến trình tài chính số và thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh hậu Covid-19” - TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhấn mạnh.

Thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh

Bên cạnh những cơ hội thuận lợi, theo bà Nguyễn Anh Thơ, quy định các TCTD đến từ EU chỉ được sở hữu cổ phần tối đa của 2 ngân hàng cũng đặt ra không ít thách thức cho các ngân hàng Việt trong việc chứng minh năng lực hoạt động cũng như khả năng cạnh tranh. Những ngân hàng với nội lực vững chắc, có khả năng quản lý rủi ro hiệu quả và chiến lược kinh doanh bền vững sẽ nhận được sự quan tâm, đánh giá tích cực từ phía các nhà đầu tư. Do đó, việc thu hút dòng vốn ngoại đòi hỏi các ngân hàng Việt vừa phải tăng cường những chỉ số tài chính cơ bản vừa chú trọng những nhân tố phi tài chính như: đóng góp cho cộng đồng, môi trường làm việc, chinh phục sự hài lòng của khách hàng...

Việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng cường tiềm lực tài chính, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, điều này cũng tiềm ẩn nhiều thách thức đối với các ngân hàng trong nước. Đó là nguy cơ bị thôn tính, sáp nhập nếu các ngân hàng quản trị không tốt, không có biện pháp phòng ngừa; rủi ro pháp lý do kiện tụng, tranh chấp tăng lên; thị trường vốn trong nước có thể biến động mạnh khi có động thái rút vốn nhanh.

Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV còn dự báo, mở cửa thị trường cũng tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với các ngân hàng Việt trong việc nâng cao chất lượng, sản phẩm dịch vụ để có thể cạnh tranh, nhất là các sản phẩm hàm lượng công nghệ, số hóa lớn. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán di động... vốn đã phát triển mạnh tại châu Âu có thể trở thành xu hướng phổ biến tại thị trường Việt Nam. Yêu cầu của khách hàng đối với dịch vụ tài chính sẽ không chỉ dừng lại ở giá mà còn ở sự đa dạng và chất lượng dịch vụ. Bởi vậy, ngân hàng Việt cần nhanh chóng chuyển mình, đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Mặt khác, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, các ngân hàng Việt phần lớn có quy mô nhỏ; nhiều nhà băng mới đang hoàn thiện những yêu cầu, tiêu chuẩn của Basel II, trong khi các ngân hàng EU đang áp dụng Basel III và tiệm cận Basel IV. Đây cũng là thách thức của ngân hàng Việt khi phải cạnh tranh với các TCTD đến từ EU trong tương lai.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh với các TCTD đến từ EU, các chuyên gia khuyến nghị, ngân hàng Việt cần tập trung phát triển hoạt động tài chính số, ngân hàng số; tìm hiểu, nắm bắt xu hướng thị trường, nghiên cứu các sản phẩm đã phổ biến tại thị trường EU song còn mới mẻ với Việt Nam. Đặc biệt, các ngân hàng cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nhằm nâng cao tính ổn định, phát triển bền vững, tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài; thúc đẩy năng lực quản trị rủi ro và quản trị vốn, cải thiện hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng tiềm lực vững chắc về mọi mặt sẽ giúp cho các ngân hàng Việt vượt qua thách thức, tận dụng các cơ hội mới từ EVFTA để phát triển.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
EVFTA - cơ hội và thách thức đối với ngân hàng Việt