Dự báo 2 kịch bản phát triển kinh tế đến năm 2030

(BKTO) - Khi xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, các chuyên gia, nhà quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã đưa ra 2 kịch bản phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo dựa trên các giả định về sự thay đổi của bối cảnh thế giới, việc lựa chọn chính sách phát triển để khai thác các tiềm năng, cơ hội cũng như hóa giải các hạn chế, thách thức của Việt Nam.



Vai trò và uy tín của Việt Nam trên thế giới ngày càng được mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Ảnh tư liệu

Kịch bản thấp với GDP tăng trưởng 6,3%/năm

Kịch bản 1 được đưa ra là kịch bản thấp với giả định bối cảnh thế giới và khu vực sau khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tạo môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, như căng thẳng địa chính trị leo thang và chủ nghĩa bảo hộ tiếp diễn theo chiều hướng tiêu cực; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm; các hoạt động thương mại, vận tải và du lịch quốc tế chậm phục hồi; rủi ro đối với hệ thống tài chính, tiền tệ gia tăng…

Đối với nền kinh tế Việt Nam, chất lượng tăng trưởng được cải thiện nhưng chậm; cơ cấu đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung cao cho các vùng động lực chính. Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chậm, chỉ đạt khoảng 85% các mục tiêu về xây dựng đường cao tốc, dẫn đến chi phí vận tải cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng nhân lực được cải thiện nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu ở một số ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn; nguồn nhân lực chất lượng cao cơ bản còn thiếu. Vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu được cải thiện nhưng giá trị gia tăng nội địa vẫn thấp cho dù nền kinh tế có độ mở thương mại rất cao, năng lực sản xuất tại các công đoạn chế biến, chế tạo đòi hỏi độ tinh xảo cao cũng như cung cấp các dịch vụ tiên tiến vẫn còn hạn chế. Tuy xây dựng được các hạ tầng, gia tăng ứng dụng công nghệ số nhưng chậm hình thành nền kinh tế số, dẫn đến tỷ trọng kinh tế số trong GDP thấp.

Khả năng huy động các nguồn tài chính từ bên trong và bên ngoài không có đột phá lớn do năng lực của hầu hết doanh nghiệp nội địa còn yếu và không thu hút được nhiều dự án FDI có chất lượng, quy mô lớn cho dù Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư hấp dẫn ở châu Á. Ngoài ra, trữ lượng các tài nguyên đang khai thác giảm đáng kể như than đá, dầu thô, khí đốt, các loại quặng kim loại... khiến Việt Nam phải đầu tư nhiều trong bảo đảm an ninh năng lượng.

Từ các giả thiết nêu trên, các chuyên gia, nhà quản lý của Bộ KHĐT dự báo, tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) và khả năng huy động vốn trong Kịch bản 1 không cao hơn giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ đầu tư trên GDP đạt khoảng 33% trong giai đoạn 2021-2030 nhưng giảm xuống 30% trong giai đoạn đến năm 2050. Khi đó, tăng trưởng tích lũy vốn sẽ đạt khoảng 9,6% giai đoạn 2021-2030 và khoảng 6,8%/năm giai đoạn đến năm 2050.

Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,26%/năm trong giai đoạn 2021-2025; 6,34%/năm trong giai đoạn 2026-2030. Tính chung cả giai đoạn 2021-2030 đạt 6,3%/năm; giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 6,64%/năm. Chất lượng tăng trưởng phản ánh qua tăng trưởng TFP đạt bình quân khoảng 2,4%/năm trong giai đoạn 2021-2030, tương đương giai đoạn 2011-2020. Tăng trưởng năng suất lao động đạt bình quân 5,6%/năm. Giai đoạn đến năm 2050, tăng trưởng TFP đạt bình quân 3,2%/năm. Tăng trưởng năng suất lao động đạt bình quân 6,3%/năm. Lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 3,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người dự báo đạt hơn 7.000 USD đến năm 2030; khoảng 13.000 USD đến năm 2040 và khoảng 25.000 USD đến năm 2050.

Kịch bản phấn đấu được kỳ vọng khả thi

Kịch bản 2 được đưa ra là kịch bản phấn đấu với giả thiết bối cảnh thế giới và khu vực có sự chuyển biến tích cực, tạo ra nhiều yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, cùng với đó là các yếu tố nội tại của nền kinh tế. Dự báo khủng hoảng dịch bệnh cơ bản kết thúc trong năm 2022, mọi hoạt động kinh tế - xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới dần trở lại bình thường, vì vậy, viễn cảnh kinh tế thế giới trở nên sáng sủa hơn so với các dự báo gần đây. Hơn nữa, xu hướng chuyển dịch trọng tâm kinh tế thế giới từ Tây sang Đông rõ rệt hơn. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraina tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả một số mặt hàng như dầu khí, lương thực... nhưng chỉ trong ngắn hạn.

Trong khi đó, vị thế, vai trò và uy tín và của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thế giới, quan hệ quốc tế được mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Nhưng kịch bản cũng đặt giả thiết việc tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam phải đạt kết quả như dự kiến…

Khả năng huy động vốn trong kịch bản này cũng được giả định đạt cao hơn giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ đầu tư trên GDP được dự kiến đạt khoảng 35% trong giai đoạn 2021-2030 và duy trì ở mức khoảng 32% trong giai đoạn 2031-2050. Khi đó, tăng trưởng tích lũy vốn sẽ đạt bình quân 10,22%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2020 (8,7%/năm). Giai đoạn 2031-2050 tăng trưởng tích lũy vốn dự kiến giảm xuống 7,51%/năm.

Kịch bản này được đặt ra với kết quả kỳ vọng là tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,63%/năm trong giai đoạn 2021-2025; đạt 7,48%/năm trong giai đoạn 2026-2030. Tính chung cả giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 7,05%/năm. Giai đoạn 2031-2050, tốc độ tăng trưởng có khả năng đạt 7,3%/năm. Tăng trưởng TFP đạt bình quân khoảng 3%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 3,4%/năm trong giai đoạn 2031-2050. Tăng trưởng năng suất lao động đạt bình quân 6,35%/năm giai đoạn 2021-2030 lên 7%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

Tương tự như Kịch bản 1, dự báo được Kịch bản 2 đưa ra là lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 3,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7.500 USD/người đến năm 2030 lên 14.500 USD/người đến năm 2040 và khoảng 32.000 USD/người đến năm 2050. Như vậy, theo chuẩn của WB hiện nay, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vào năm 2040 sẽ tương đương ngưỡng thu nhập cao.

Đối với Kịch bản 1, các điều kiện bên ngoài là không thuận lợi, khả năng tăng trưởng phụ thuộc vào khả năng cải thiện các yếu tố nội tại của nền kinh tế. Kịch bản này có tính khả thi khá cao do đòi hỏi đẩy mạnh cải cách không nhiều, cơ bản theo xu hướng đã diễn ra trong giai đoạn 2016-2020. Đối với Kịch bản 2, điều kiện để đạt được khó khăn hơn khi yêu cầu về tăng trưởng TFP, tăng trưởng năng suất lao động tương đối cao. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế quốc tế cũng cần có nhiều yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích các yếu tố bối cảnh thế giới và nội tại nền kinh tế, khả năng xảy ra Kịch bản 2 cũng khá cao - các chuyên gia của Bộ KHĐT nhận định./.
         
Tổng đầu tư giai đoạn 2021-2030 cần huy động là khoảng 46 triệu tỷ đồng, trong đó từ khu vực nhà nước khoảng hơn 10 triệu tỷ đồng, từ khu vực FDI hơn 5,8 triệu tỷ đồng và từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước khoảng 30,2 triệu tỷ đồng.

H.THOAN
Cùng chuyên mục
  • Nhóm giáo dục có chỉ số giá tăng cao nhất trong "rổ" hàng hóa CPI tháng 8/2022
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước và tăng 3,6% so với tháng 12/2021; tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.
  • Vượt khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong điều kiện kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác phát triển người tham gia cũng như công tác thu, đôn đốc thu hồi nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… Hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ về BHXH, BHYT, BHTN của các địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
  • Tạo đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề Nghị quyết số 18-NQ/TW và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 30/8, bên cạnh những lưu ý, yêu cầu khi sửa đổi Luật Đất đai, các đại biểu cũng tập trung trao đổi về giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, bảo đảm tiết kiệm, bền vững; việc tạo cơ sở nền tảng để quản lý tốt nguồn lực đất đai…
  • Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 8/2022 ước đạt 106 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
  • Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt hơn 66 tỷ USD
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, trong 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1%.
Dự báo 2 kịch bản phát triển kinh tế đến năm 2030