Dồn lực phòng, chống dịch Covid-19

(BKTO) - Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch”; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.




Hành khách khai báo y tế tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng). Ảnh: TTXVN

Tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc”

Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 phòng, chống dịch Covid-19. Từ khi xuất hiện ca bệnh tại Đà Nẵng sau 99 ngày Việt Nam không phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương, trong đó có các đô thị lớn, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 11/8, cả nước đã ghi nhận 847 ca mắc Covid-19; trong đó đã có 15 ca tử vong, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 389 ca. Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ khác có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát ở một số tỉnh, thành phố khác là các trường hợp đi tham quan, du lịch, làm việc tại Đà Nẵng. Các chuyên gia nhận định, diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước rất phức tạp, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực ở các địa phương.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp trong cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm kiểm soát hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hoang mang, dao động.

Đồng thời, các địa phương cần áp dụng biện pháp cách ly phù hợp, giám sát y tế, xét nghiệm trên diện rộng đối với tất cả các trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh, nghi ngờ lây nhiễm và các trường hợp từng đến TP. Đà Nẵng từ ngày 01/7/2020 đến nay đã trở về địa phương, trước hết là các trường hợp đã từng đến “ổ dịch”, các khu vực đã bị phong tỏa, cách ly tại TP. Đà Nẵng; kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế và theo dõi tình hình sức khỏe…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tinh thần sẵn sàng phòng, chống dịch đã được tái khởi động tại các địa phương. Đặc biệt, tại Đà Nẵng, công tác chống dịch được thực hiện rất quyết liệt, toàn diện, hiệu quả và đến thời điểm này đã cơ bản kiểm soát, hạn chế được lây lan ở tâm dịch này. Tại Hà Nội - địa phương có nguy cơ cao vì có nhiều người đi từ Đà Nẵng về - cũng đang dồn lực đẩy nhanh việc lấy mẫu xét nghiệm với sự hỗ trợ toàn diện từ Bộ Y tế.

Đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, truy vết ca bệnh

Theo các chuyên gia y tế, để công tác phòng chống dịch hiệu quả thì cần kiên định 5 nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng dịch; tập huấn cho cán bộ y tế; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm để thực hiện tốt công tác phát hiện, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, thu dung, điều trị bệnh nhân trong trường hợp phát hiện ca bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi dịch diễn biến phức tạp, F0 mất dấu, nguy cơ dịch lan rộng thì giải pháp hiệu quả và mấu chốt là phải mở rộng đối tượng và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện cả nước mới có 121 phòng xét nghiệm có năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR. Do đó, để đẩy nhanh công tác xét nghiệm, bên cạnh việc xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia xét nghiệm, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV2.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, xét nghiệm gộp mẫu (pool) là phương thức xét nghiệm lấy một phần của các mẫu để đưa vào gộp và tách chiết, xét nghiệm; phần còn lại của các mẫu được bảo quản để xét nghiệm riêng rẽ lại lần 2 nếu xét nghiệm mẫu gộp dương tính. "Việc gộp mẫu giúp tiết kiệm nguồn lực, cho kết quả nhanh, giúp đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm khối lượng lớn các ca bệnh nghi ngờ, các đối tượng tiếp xúc F1 và những người nguy cơ để hạn chế tình hình lây lan trong cộng đồng và hạn chế tình trạng tử vong. Đây cũng là phương thức được nhiều nước áp dụng" - PGS,TS. Lương Ngọc Khuê thông tin.

Tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo - cũng nhấn mạnh, tới đây sẽ đẩy mạnh xét nghiệm theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế - lúc nào dùng xét nghiệm kháng thể, lúc nào dùng xét nghiệm Realtime RT-PCR. Tuy nhiên, để xét nghiệm hiệu quả nhất thì phải truy vết được ca bệnh bằng cách kết hợp nhiều giải pháp như "đi từng ngõ, gõ từng nhà", kết hợp sử dụng các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch bệnh như NCOVI, Bluezone… "Chúng ta phải thấy rõ nguy cơ dịch bệnh là thường trực, vì vậy, phải tuyệt đối cảnh giác. Không chỉ lực lượng phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương mà đặc biệt là phải nâng cao ý thức cảnh giác của người dân" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
  • Giá trị thương hiệu Vinamilk  được định giá hơn 2,4 tỷ USD
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2020, dù đối mặt với những biến động lớn của nền kinh tế do đại dịch Covid-19, thương hiệu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vẫn được “định giá” tăng thêm 200 triệu USD so với năm 2019, đạt mốc hơn 2,4 tỷ USD.
  • Đồng sức, hiệp lực thực thi hiệu quả  Hiệp định EVFTA
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Một kế hoạch toàn diện liên quan đến việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Để tạo cơ sở cho việc thực thi các cam kết mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế; các DN, ngành hàng có thể tận dụng các cơ hội, ứng phó thành công với các thách thức, cần thiết phải có sự chung sức, phối hợp thực hiện của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, DN…
  • TP. HCM: Thu nội địa 7 tháng vẫn chưa đạt 50% chỉ tiêu
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Nhiều khoản thu giảm mạnh đã kéo số thu NSNN từ nội địa trên địa bàn TP. HCM đạt thấp. Kết quả thu trong 7 tháng chưa đạt 50% chỉ tiêu của cả năm 2020.
  • Hải Phòng thu trên 469 tỷ đồng nợ thuế
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Trong 7 tháng qua, Cục Thuế Hải Phòng đã thu hồi 469,7 tỷ đồng tiền nợ thuế, bằng 43,8% chỉ tiêu giao. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 366,7 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế 103 tỷ đồng.
  • Áp dụng mã số, mã vạch trong truy xuất nguồn gốc:  “Căn cước” để hàng hóa hội nhập thế giới
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Truy xuất nguồn gốc (TXNG) đang trở thành mối quan tâm chung của nhân loại trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan. Tại Việt Nam, hoạt động này đã được thực hiện thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Giới chuyên gia khuyến nghị, đẩy mạnh hoạt động TXNG thông qua mã số, mã vạch (MSMV) là “căn cước” để hàng hóa hội nhập với thế giới.
Dồn lực phòng, chống dịch Covid-19