Đổi mới để kịp thời nắm bắt cơ hội từ CMCN 4.0

(BKTO) - Ngày 16/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chủ trì tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam- VBS 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu trước hơn 800 đại biểu, trong đó có gần 300 đại biểu quốc tế.



Đây là một trong những Hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam. Hội nghị VBS nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á (ABS) lần thứ 10, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, để trao đổi về nền kinh tế số và các xu hướng đổi mới khoa học công nghệ, chuyển dịch nguồn nhân lực trên phạm vi toàn cầu tác động đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam, tương lai của châu Á.
                
   

Quang cảnh Hội nghị. Nguồn: VIR

   

Hội nghị cũng bàn về chương trình hành động để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các quốc gia châu Á, quan hệ đối tác công- tư giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để hiện thực hóa các cơ hội đầu tư kinh doanh đang mở ra trên nền tảng kinh tế số.

Hội nghị VBS 2019 gồm 3 phiên thảo luận chuyên đề: Đổi mới khoa học công nghệ và cơ hội đối với Việt Nam; Chuyển dịch nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số- tiềm năng của Việt Nam; Tối ưu hóa cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ đã có một năm thành công trong việc chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn leo thang, nền kinh tế và thương mại toàn cầu giảm tốc… Việt Nam đã trở thành mẫu hình thành công của sự ổn định về kinh tế vĩ mô, và sự bứt phá về tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Việt Nam đã duy trì nhịp độ tăng trưởng trên dưới 7%/năm, cao nhất ASEAN, thuộc nhóm dẫn đầu châu Á, và đã vượt lên 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019- đây là một kỳ tích.

Đồng thời, Chính phủ đã khởi động thành công Chương trình hành động thực hiện chính phủ điện tử, xây dựng hạ tầng cho nền kinh tế số ở Việt Nam. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin tăng tới 54 bậc trong bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019 với sự mở rộng của số lượng thuê bao di động và mức độ phổ cập internet được đánh giá cao. Đây là chỉ số quan trọng nhất báo hiệu sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin viễn thông cũng như triển vọng của ngành sản xuất phần mềm và các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong tất cả các ngành và lĩnh vực kinh tế. Đó là cơ hội to lớn cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao những nỗ lực bước đầu của Chính phủ trong cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số và khẳng định rằng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chuyển mình trước cuộc cách mạng số và đang chung tay, góp sức với những nỗ lực của Chính phủ.

Về tiềm năng và triển vọng tăng trưởng trong những năm tới, TS.Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI cho biết, dự báo của các tổ chức quốc tế có uy tín đều đưa ra những con số lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 90% cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước tin rằng tình hình kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn trong thời gian tới. 130 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay và 70% các doanh nghiệp FDI cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Cải cách thể chế được tăng tốc, hội nhập được thúc đẩy, niềm tin thị trường được củng cố, tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa, hệ sinh thái cho khởi nghiệp đang được hoàn thiện... Tất cả sẽ là điểm tựa và những cú hích cho phát triển nền kinh tế ở Việt Nam trong tương lai.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam ủng hộ tất cả các sáng kiến để thị trường thế giới được mở rộng, tạo thuận lợi cho các đối tác cùng cạnh tranh bình đẳng.
                
   

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận Hội nghị. Nguồn: DDDN

   

Theo Phó Thủ tướng, những năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện Việt Nam đã thu hút được các nhà đầu tư đến từ hơn 130 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới với trên 30.000 dự án, tổng vốn đầu tư đạt trên 300 tỷ USD. Trong đó, hầu hết các tập đoàn lớn nhất trên thế giới với những công nghệ làm thế giới phát triển tốt đẹp hơn đã đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt cùng các đối tác nước ngoài đã từng bước tham gia vào quá trình sản xuất các công nghệ mới, cùng nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Theo Phó Thủ tướng, thời cơ từ cuộc CMCN 4.0 sẽ đi qua nếu Việt Nam không kịp nắm bắt. Những chỉ số mà Việt Nam chưa sẵn sàng cần phải nhanh chóng khắc phục. Để vượt qua những thách thức, đón bắt cuộc CMCN 4.0, Phó Thủ tướng khẳng định, cần có sự thay đổi tư duy mà trước hết là thay đổi những quy định không còn phù hợp, tạo môi trường pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, trên tinh thần cho làm thử nghiệm, tiến tới làm chính thức và tạo điều kiện lan toả khi chứng minh được tính hiệu quả.

Thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam, Phó Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam chắc chắn là đối tác tin cậy trong kỷ nguyên số, nhưng Việt Nam không muốn chỉ là đối tác mà còn là người bạn chân thành. Vì thế, Việt Nam hợp tác không chỉ dựa trên nền tảng đối tác tin cậy, mục tiêu kinh doanh cùng có lợi mà phải cùng nhau lan tỏa điều tốt đẹp trong kinh doanh, từ kinh doanh làm ra điều tốt đẹp.

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
  • Nhập khẩu từ Trung Quốc vượt 50 tỷ USD
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn 8 tỷ USD so với cùng kỳ 2018, đưa tổng trị giá nhập khẩu từ quốc gia này vượt con số 50 tỷ USD.
  • Doanh nghiệp Việt từng bước trưởng thành, ghi dấu ấn
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Nhìn lại 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam và hơn 3 thập kỷ đổi mới, cũng như tròn 74 năm Bác Hồ gửi thư cho giới công thương, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - bình luận, lứa doanh nhân đầu tiên của thời kỳ đổi mới dám nghĩ, dám làm, dám xông pha đã hoàn thành sứ mệnh góp phần đưa đất nước thoát nghèo. Giờ đây, trọng trách đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình và trở nên hùng cường thuộc về lứa doanh nhân khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo.
  • Số hóa và chia sẻ dữ liệu: Làm sao để quản lý rủi ro mà không cản trở đổi mới sáng tạo?
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Trong nền kinh tế số hiện nay, chia sẻ dữ liệu được coi là một trong những nền tảng quan trọng nhất của bất kỳ Chính phủ điện tử nào. Vậy, làm thế nào để các cơ quan nhà nước có thể quản lý rủi ro trong quá trình số hóa mà không cản trở đổi mới sáng tạo? Vấn đề này đang là thách thức không nhỏ đặt ra đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
  • Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030 với 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
  • Giá gạo Việt Nam “chạm đáy” trong 12 năm.
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- Trước tình hình giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm thấp nhất trong 12 năm qua, Chiều ngày 14/10, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, ngay từ cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định năm nay xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường. Trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, giá gạo Viêt Nam có thời điểm thấp nhất là khoảng 325 USD/tấn. Cũng tại thời điểm đó, giá gạo Thái Lan khoảng 350-360 USD/tấn.
Đổi mới để kịp thời nắm bắt cơ hội từ CMCN 4.0