Doanh nghiệp du lịch phục hồi ấn tượng, song vẫn cần được tiếp sức

(BKTO) - Kinh doanh du lịch đang khởi sắc, nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành được lập mới hoặc tham gia trở lại thị trường là những tín hiệu tốt hứa hẹn khả năng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch, từ đó góp phần quan trọng vào kết quả phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm giải pháp hỗ trợ DN, các DN cũng cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua thách thức, chuyển hóa cơ hội thành kết quả.



                
   

Doanh nghiệp du lịch đăng ký mới và trở lại thị trường không ngừng
   tăng nhanh. Ảnh: N.LỘC

   

Tiếp đà phục hồi

Tổng cục Du lịch nhận định, kinh doanh du lịch đang “ấm lên” theo đà phục hồi du lịch Việt Nam, với số lượng giấy phép kinh doanh lữ hành được cấp, số DN đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Du lịch đã thẩm định, cấp mới 312 giấy phép cho DN kinh doanh lữ hành quốc tế (tăng 286 giấy so với 2021), cấp đổi 65 giấy phép.
         
Tính chung đến hết tháng 6/2022, cả nước có 2.415 DN kinh doanh lữ hành quốc tế. DN kinh doanh lữ hành nội địa hiện có 1.060 DN đã được các địa phương cấp phép. Cả nước hiện có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 215 khách sạn 5 sao.

Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, số DN đăng ký thành lập mới có liên quan đến lĩnh vực du lịch có sự gia tăng ấn tượng, trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 DN, tăng 27,7% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 DN, tăng 23,4%.

Triển vọng phục hồi của DN trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số DN trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động tăng cao. Số DN quay trở lại hoạt động 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.362 DN, tăng 63,5% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 DN, tăng 50,5%.

Hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người lao động. Số lao động đăng ký của DN thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 19,7%; dịch vụ việc làm, du lịch tăng 20,7%.

Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch là lĩnh vực liên ngành, do đó, sự phát triển của ngành du lịch sẽ tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực khác như vận tải, ẩm thực…, kéo theo sự phát triển chung của nhiều ngành nghề kinh tế. “Sự phục hồi của DN du lịch là điều kiện nền tảng rất quan trọng để thúc đẩy thị trường du lịch phát triển. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phục hồi là yêu cầu cấp bách” - ông Bình nhấn mạnh.

Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN phục hồi

Theo Tổng cục Du lịch, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện mở cửa thị trường du lịch, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu du lịch nội địa tiếp tục tăng mạnh. Lượng tìm kiếm trong tháng 7/2022 tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022, trước khi mở cửa du lịch.

Trong khi đó, lượng tìm kiếm của quốc tế về du lịch Việt Nam tăng gấp 4 lần và sẽ tiếp tục tăng cao khi hoạt động du lịch quốc tế trên toàn cầu đang có xu hướng phục hồi. Kết quả đón khách quốc tế và những chỉ báo về lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam cho thấy, tình hình phục hồi khả quan của du lịch Việt Nam sau khi chính thức mở cửa lại thị trường từ ngày 15/3/2022.

Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khi thị trường đang trên đà phục hồi, các DN nỗ lực tham gia trở lại thị trường, cũng là lúc Nhà nước cần đảm bảo thực thi các cam kết hỗ trợ DN, cũng như có thêm những chính sách hỗ trợ cho DN.

Về vấn đề này, Tổng cục Du lịch cho biết, ngoài những chính sách hỗ trợ chung đối với DN như hỗ trợ về thuế, lãi suất cho vay trong giai đoạn phục hồi kinh tế, các DN du lịch đã được hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù như, giảm phí thẩm định Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; giảm tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch…

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục kiến nghị với các Bộ, ngành và Chính phủ ban hành chính sách tiếp tục hỗ trợ trực tiếp đến các DN, người lao động trong lĩnh vực du lịch như: chính sách về giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% đến hết năm 2022 cho hoạt động kinh doanh du lịch; bổ sung gói tín dụng cho DN với lãi suất ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động; vay để sửa chữa, duy tu cơ sở lưu trú du lịch (xuống cấp do thời gian dài đóng cửa, tạm dừng hoạt động)…

Trong khi đó, một số DN du lịch kiến nghị tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành và phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC do chính sách hỗ trợ này đã kết thúc sau ngày 30/6/2022. “DN du lịch đã bắt đầu trở lại hoạt động, song còn gặp nhiều khó khăn do chịu tác động nặng nề của hai năm dịch bệnh và rất cần được hỗ trợ để phục hồi” - lãnh đạo một DN du lịch cho biết.
                
   

DN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động. Ảnh sưu tầm

   

Thông tin phản hồi về kiến nghị của DN, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương cho biết, do không có thẩm quyền nên Tổng cục Du lịch đã tổng hợp và gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết. Trong thẩm quyền của mình, Bộ sẽ sử dụng nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch hỗ trợ thêm với DN; tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến, tăng cường các hoạt động tuyên truyền cùng DN… Tuy nhiên, “bản thân DN phải nêu cao tính chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước, bởi đại dịch ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, không chỉ riêng DN du lịch” - ông Phương cho biết.

Để nắm bắt xu thế, cũng như thích ứng với tình hình nhiều biến động như hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng đề nghị cơ quan chức năng cần hỗ trợ DN xây dựng, tham gia vào chuyển đổi số của ngành du lịch một cách đồng bộ, hạn chế tối đa việc phát sinh thủ tục, chi phí; đồng thời bản thân DN cần tích cực đưa vào ứng dụng các phần mềm du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng cáo du lịch và kết nối với các điểm đến; áp dụng số hóa từ trong quản lý, điều hành, các khâu thực hiện đón tiếp khách để mang đến những trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khách hàng.

N.LỘC
Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp du lịch phục hồi ấn tượng, song vẫn cần được tiếp sức