Điều kiện thành lập, sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập ngành Tư pháp

(BKTO) - Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp.



                
   

Bộ Tư pháp đang xây dựng một số quy định về điều kiệnthành lập, sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập ngành Tư pháp - Ảnh minh họa: chinhphu.vn

   

Dự thảo Thông tư nêu rõ, nguyên tắc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp phải phù hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời phải bảo đảm duy trì một phần hoặc toàn bộ chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước; bảo đảm cung ứng dịch vụ sự nghiệp công mang tính đặc thù của ngành, lĩnh vực tư pháp theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Về điều kiện thành lập, Dự thảo Thông tư quy định, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp được thành lập khi đáp ứng điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP; phù hợp với tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ điều kiện sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp. Theo đó, đơn vị bị sáp nhập khi không đáp ứng đủ các điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập.

Dự thảo Thông tư cũng quy định, đơn vị nhận sáp nhập phải có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị bị sáp nhập; có năng lực tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần nhân lực, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các đơn vị bị sáp nhập; có phương án tiếp tục hoạt động với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức sau khi nhận sáp nhập bảo đảm chất lượng, hiệu quả được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đơn vị sự nghiệp công lập sau khi nhận sáp nhập phải bảo đảm mức độ tự chủ về tài chính không thấp hơn mức độ tự chủ về tài chính cao nhất của các tổ chức thực hiện sáp nhập tại thời điểm bắt đầu tiến hành hoạt động sáp nhập.

Trường hợp thực hiện sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau sáp nhập thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền./.
DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Điều kiện thành lập, sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập ngành Tư pháp