Để ngân hàng tiếp tục là “bệ đỡ” cho nền kinh tế

(BKTO) - Tính đến ngày 08/5, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ trên 130.000 tỷ đồng; miễn, giảm và hạ lãi suất cho khoảng 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng... Đây là minh chứng cho những nỗ lực của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để ngân hàng tiếp tục là “bệ đỡ” cho nền kinh tế, các nhà băng cũng cần được trợ giúp.




Cần có thêm những chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các TCTD Ảnh: TTXVN​

Tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo an toàn hoạt động

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN mới đây, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công Thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN; phê duyệt phương án tăng vốn tự có cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định trên để trình Chính phủ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng vốn điều lệ đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và VietinBank. Đồng thời, Thống đốc đề nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến với Dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội của NHNN về việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nguồn NSNN.

Theo NHNN, những ngân hàng thương mại có vốn nhà nước năm nay sẽ phải giảm khoảng 40% lợi nhuận. Lợi nhuận sụt giảm trong khi rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến an toàn vốn của ngân hàng. Do vậy, việc tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng sẽ tạo điều kiện để các nhà băng hỗ trợ tốt hơn cho DN cũng như nền kinh tế. Nếu không sớm được cấp vốn, những ngân hàng trên sẽ khó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ “bệ đỡ” cho nền kinh tế.

Không chỉ bị sụt giảm lợi nhuận và đối diện với rủi ro nợ xấu, theo giới chuyên gia, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng trên đã ở gần sát ngưỡng tối thiểu theo quy định. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, 4 ngân hàng quốc doanh đã tiên phong cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất, phí hỗ trợ DN, cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19; đồng thời triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất giảm từ 1 - 2,5%/năm để giúp DN có nguồn vốn rẻ duy trì sản xuất kinh doanh, chờ cơ hội phục hồi sau đại dịch. Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, việc tăng vốn cho các ngân hàng này là cần thiết. “Nếu không thể tăng vốn, khả năng cung ứng vốn, giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng sẽ kém đi” - TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - nhận định.

Hỗ trợ thuế, phí, xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng

Cùng với việc tăng vốn cho 4 ngân hàng trên, ông Lê Đức Thọ đề xuất, Nhà nước cần hỗ trợ các ngân hàng thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, phí, bảo hiểm và cơ chế khuyến khích ngân hàng chủ động tham gia vào quá trình đầu tư công, tham gia thanh toán trực tuyến, cung ứng dịch vụ công trực tuyến.

Còn ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - cho rằng, vấn đề căn cơ nhất hiện nay là giá vốn của các ngân hàng. Khi giá vốn đầu vào cao, ngân hàng không thể nào cho vay với lãi suất thấp. Hiện NHNN cũng đã có trần lãi suất tiền gửi 6 tháng là 4,75%, nhưng các ngân hàng vì cần cạnh tranh huy động vốn nên lãi suất huy động trên một năm cũng rất cao. Do đó, ông Hồng Anh đề nghị cần có trần lãi suất dài hạn tiền gửi trên một năm khoảng 5% và lũy tiến 0,5% thêm một năm nữa để các ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ DN.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cam kết tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN vừa qua, căn cứ nhu cầu vốn của DN, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cao hơn so với kế hoạch đầu năm, tạo điều kiện để các nhà băng đáp ứng đầy đủ nguồn vốn cho nền kinh tế.

Thực tế, thời gian qua, để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho hoạt động của các ngân hàng, một số chính sách ưu đãi đã được ban hành. Đơn cử, Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ đã bổ sung đối tượng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của NHNN. Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Thông tư số 33/2020/TT-BTC quy định mức thu, nộp lệ phí cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, TCTD phi ngân hàng. Theo đó, từ ngày 05/5 đến hết 31/12/2020, lệ phí cấp Giấy phép này bằng 50% mức thu lệ phí tại Điều 4 Thông tư số 150/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, giảm từ 35 - 70 triệu đồng/lần cấp.

Ngân hàng cũng là DN và chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Vì vậy, việc ban hành các chính sách trên là cần thiết để giúp TCTD vượt qua khó khăn, hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế. Trong bối cảnh phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm mọi chi phí, nhiều ngân hàng mong muốn Chính phủ cũng như các Bộ, ngành liên quan sẽ có thêm những chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với TCTD, bởi nói như Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành: “Ngân hàng có khỏe thì mới chia sẻ với DN được”.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
  • Ngành thuế tìm cách bù đắp hụt thu ngân sách
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tháng 4/2020, một số nguồn thu lớn có tốc độ giảm nhanh, hầu hết địa phương đều đạt thấp cả về tiến độ và tốc độ thu ngân sách. Để hỗ trợ người nộp thuế khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu cho NSNN, ngành thuế sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bù đắp hụt thu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
  • Nhận rõ những thách thức khi tham gia Hiệp định EVFTA
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Theo đánh giá, tham gia EVFTA, bên cạnh những tác động tích cực đến chính trị, kinh tế của Việt Nam, còn có nhiều thách thức, khó khăn cần được phân tích, nhìn nhận thấu đáo để có giải pháp ứng phó hiệu quả.
  • Viện Dầu khí Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Đại học Mỏ - Địa chất
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 15/5/2020, tại Hà Nội, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) và Đại học Mỏ - Địa chất (HUMG) đã ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện trong nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn lực... TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI và GS.TS. Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng HUMG đã đại diện hai bên ký kết thỏa thuận quan trọng này.
  • Vinamilk - một trong những nhà tuyển dụng  hấp dẫn nhất với thế hệ trẻ
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) Theo kết quả khảo sát mới đây do Công ty Tư vấn các giải pháp Nguồn Nhân Lực và Thương Hiệu Nhà Tuyển Dụng Anphabe công bố, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã được bình chọn là 1 trong 50 Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất đối với sinh viên Việt Nam năm 2020.
  • Đã cấp hơn 5,1 nghìn tỷ đồng hỗ trợ địa phương ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), địa phương chịu tác động lớn từ dịch tả lợn châu Phi đã được cấp bổ sung kinh phí, việc triển khai chi trả là thuộc trách nhiệm của địa phương.
Để ngân hàng tiếp tục là “bệ đỡ” cho nền kinh tế