Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật

(BKTO) - Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Bên cạnh ghi nhận những kết quả tích cực và những cải tiến trong quá trình lập pháp, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến tâm huyết nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh.



Tránh hình thức trong lấyý kiến xây dựng luật,pháp lệnh

Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), một trong những bất cập, hạn chế trong xây dựng luật, pháp lệnh đó là việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án luật còn hình thức, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; việc tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan với nhiều dự án còn nặng về hình thức. Nhiều cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, thường chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình phụ trách, đối với những lĩnh vực khác thì cơ bản đồng ý. Có dự án mặc dù đã được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội nhưng các Bộ, ngành có liên quan vẫn còn có ý kiến khác.

Đánh giá về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, những hạn chế trên đã làm giảm chất lượng dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, gây mất thời gian thảo luận, tranh luận. Vì vậy, Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần khẩn trương tổ chức đánh giá, khắc phục hạn chế này và thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội đóng góp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) chia sẻ, việc lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học giúp đại biểu Quốc hội nhận được nhiều ý kiến, là cơ sở khoa học để các đại biểu tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp sẽ giúp đại biểu Quốc hội nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, là cơ sở thực tiễn cho đại biểu tham gia xây dựng luật.

Tuy nhiên, theo đại biểu, sản phẩm của việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp không được thể hiện bằng văn bản riêng trong hồ sơ trình dự án luật và gửi đến các đại biểu Quốc hội (trừ đối tượng tác động đó là các Bộ, ban, ngành) và chỉ được tích hợp chung trong các báo cáo đánh giá chính sách. Vì vậy, các đại biểu không có tài liệu để biết được đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản là ai? Bao nhiêu phần trăm trong số đó đã được lấy ý kiến? Quan điểm của họ như thế nào về các nội dung được lấy ý kiến? Hiệu quả của nội dung này hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm và cái tâm của các cơ quan có trách nhiệm lấy ý kiến.

Theo đại biểu Hà, thực hiện tốt việc lấy ý kiến sẽ đảm bảo được pháp chế trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, xây dựng được các quy định phù hợp với điều kiện của thực tiễn xã hội cũng như phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người chịu sự tác động trực tiếp, đặt người dân vào đúng vị trí trong quá trình xây dựng luật. Đây cũng là hình thức tuyên truyền chủ động để người dân được tiếp cận trước với luật, pháp lệnh và khi ban hành sẽ khả thi cao. Vì vậy, đại biểu đề nghị: “Cần sớm có quy định chi tiết về việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Cụ thể là hướng dẫn cơ chế trong việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, trong đó quy định cụ thể, rõ ràng hơn về chủ thể tiến hành lấy ý kiến. Đồng thời, cần xác định rõ hơn về sản phẩm lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp cũng như chế tài để đảm bảo thực hiện nội dung này”.

Băn khoăn tình trạng“nay xin lùi, mai xin rút”

Một bất cập khác trong tờ trình của UBTVQH cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình vẫn diễn ra thường xuyên. Chẳng hạn, năm 2017, bổ sung 6 dự án, lùi thời gian trình 5 dự án, rút khỏi Chương trình 3 dự án, 2 dự án được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp; năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 3 dự án, bổ sung 10 dự án.

Nhấn mạnh việc “nay xin rút, mai xin lùi” trong xây dựng luật có xu hướng ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP. HCM) đề nghị, cần tăng cường kỷ luật mạnh mẽ hơn, chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao chất lượng, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành; trong giao nhiệm vụ phải gắn với đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư đúng mức tới việc nghiên cứu các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật chuyên ngành phục vụ tới việc quản lý của ngành; thực hiện nghiêm quy trình thủ tục theo quy định pháp luật, quan tâm đến phân tích chính sách khi xây dựng luật, pháp lệnh, chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng cường năng lực dự báo và theo dõi thực hiện chính sách để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, củng cố năng lực của đội ngũ làm công tác pháp chế…


Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém được các đại biểu đề cập là một thực tế, đã kéo dài nhiều năm; đồng thời đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng này như: chủ động rà soát, triển khai sớm và đảm bảo thứ tự ưu tiên trong xây dựng luật, tránh quá tải; tăng cường trách nhiệm của những người đứng đầu (Bộ trưởng, trưởng ngành); đảm bảo thời gian đánh giá tác động, lấy ý kiến dự án luật…

NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 31-5-2018
Cùng chuyên mục
Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật