Đầu tư chiều sâu, phát triển ổn định thị trường xi-măng

(BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay dư địa tăng trưởng của ngành xi măng không còn nhiều khi thị trường đã gần chạm mức bão hòa. Thực trạng này đòi hỏi các doanh nghiệp xi măng phải chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất của mình để phù hợp với tình hình mới.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: internet.

   

Xuất khẩu gặp khó

Năm 2020, thị trường xi-măng được dự báo sẽ gặp một số khó khăn. Nguồn cung xi măng năm 2020 dự kiến khoảng 110 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước khoảng 71 triệu tấn, tăng 6,3 triệu tấn so với năm 2019. Xuất khẩu xi măng đang có xu hướng chững lại do thế giới còn nhiều bất ổn về chính trị, kinh tế, nhất là thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 40% lượng xuất khẩu xi măng) đang “gồng mình” chống chọi với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19), khiến những tháng đầu năm, công tác xuất khẩu sang thị trường này “giậm chân tại chỗ”. Tình hình thời tiết bất thường, nước ngọt khan hiếm do xâm nhập mặn; giá điện, giá than, giá dầu dự báo sẽ tiếp tục tăng cũng là những mối lo thường trực của các doanh nghiệp ngành xi măng.

Hiện nay, cả nước có 82 dây chuyền sản xuất xi măng và clanke với tổng công suất khoảng 98 triệu tấn/năm. Bộ Xây dựng dự báo 2020, nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tiếp tục tăng ở mức 4-5% so với năm 2019, đạt khoảng 101-103 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 69-70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 32-34 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Namthì mức tăng trưởng sẽ thấp hơn. Nguyên nhân do thị trường bất động sản không có nhiều dự án mới được triển khai, trong khi các dự án cơ sở hạ tầng cũng không khá hơn.Trong khi đó, đây là 2 nguồn tiêu thụ chính của ngành vật liệu xây dựng. Ngoài ra, giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng, gây áp lực tăng giá xi măng, nếu không sẽ bị lỗ. Tuy nhiên, nếu tăng giá cao quá sẽ không thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập. Do đó, câu chuyện của ngành xi măng vẫn khá khó khăn, đây cũng là áp lực lớn đối với xuất khẩu trong năm nay.

Đổi mới công nghệ

Đánh giá về thị trường xi măng 2020, Bộ Xây dựng cũng nhận định, hiện lượng xuất khẩu của Trung Quốc và Thái Lan có thể tăng khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh nhiều hơn.Vì vậy, giải pháp cho vấn đề này các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng- giảm nguồn cung hợp lý để tránh bị ép giá; giữ giá bán ổn định và có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để thực hiện tốt việc bình ổn, cân đối cung-cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá năm 2020, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Công Thương, Tổ điều hành thị trường trong nước báo cáo Chính phủ có chính sách hợp lý trong việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu như: điện, than, xăng, dầu.

Cụ thể, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam có kế hoạch cung cấp đủ than theo nhu cầu sản xuất và đảm bảo chất lượng than cho các nhà máy xi măng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam cấp đủ điện cho sản xuất xi măng…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia bản thân các doanh nghiệp xi-măng vẫn là mấu chốt quyết định “thành” hay “bại.” Doanh nghiệp xi măng Việt Nam cần nhận diện đầy đủ các khó khăn, phải luôn đổi mới và nâng cao, cải tiến công nghệ cho ra chủng loại sản phẩm có tính năng cao hơn, chất lượng tốt hơn, gia tăng phụ gia, giảm clinker; hướng đến sản xuất xi măng có hàm lượng phát thải các bon thấp.

Trong cuộc cạnh tranh này, ông Nguyễn Quang Cung cho rằng, các doanh nghiệp xi-măng nên chủ động nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, cục diện thị trường cũng sẽ có những thay đổi.

Doanh nghiệp lớn, quy mô lớn, làm ăn chuyên nghiệp có khả năng cạnh tranh sẽ tốt hơn. Ngược lại, những doanh nghiệp nhỏ, yếu sức cạnh tranh sẽ kém hơn. Và quy luật đào thải là tất yếu - chuyên gia này khuyến cáo.

"Cải tiến trong sản xuất xi măng là liên tục và áp lực cạnh tranh là mãi mãi, không có điểm dừng. Nhưng điều này cũng có lợi cho các doanh nghiệp bởi đây sẽ là động lực giúp doanh nghiệp xi măng phát triển, đem lại hiệu quả cho chính họ" - ông Nguyễn Quang Cung khẳng định.

Một số doanh nghiệp xi măng lớn chia sẻ, giai đoạn này, họ không chỉ tập trung phát triển sản xuất kinh doanh mà đang hướng đến nền sản xuất xanh, thông minh, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Điều này cũng góp phần khẳng định, ngành xi măng chỉ có một hướng lựa chọn duy nhất là phát triển bền vững gắn với sản xuất xanh, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong bối cảnh nhu cầu xi măng phục vụ cơ sở hạ tầng gia tăng nhưng tài nguyên hữu hạn và ngày càng cạn kiệt.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Đầu tư chiều sâu, phát triển ổn định thị trường xi-măng