Đánh giá tác động kinh tế-xã hội của dịch COVID-19 tại Việt Nam

(BKTO) - Diễn đàn tập trung đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam năm 2020, trên cơ sở đó xem xét những ảnh hưởng tiêu cực và tích cực mà dịch bệnh đem lại.




Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Tác động kinh tế-xã hội của dịch COVID-19 tại Việt Nam" nhằm đánh giá tác động của dịch COVID-19 ở Việt Nam trên các lĩnh vực như lao động, việc làm, y tế, giáo dục... từ đó phân tích cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong những năm tới.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, năm 2020, dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát và diễn biến phức tạp tàn phá kinh tế thế giới và tác động tiêu cực đến đời sống xã hội của nhiều quốc gia.

Ở Việt Nam, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đang chịu nhiều áp lực, vừa phải khắc phục khó khăn do dịch, vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trong tình hình mới. Chính vì vậy, Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam năm 2020, trên cơ sở đó xem xét những ảnh hưởng tiêu cực và tích cực do dịch COVID-19 đem lại.

Diễn đàn xoay quanh một số vấn đề chính như: Tác động của dịch đến thị trường lao động-việc làm trong nước năm 2020, các chính sách ổn định việc làm cho người lao động; chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng phó thành công với dịch COVID-19 năm 2020; nhận diện cơ hội đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số ở Việt Nam...

Đánh giá các gói kích thích kinh tế của Chính phủ lên nền kinh tế Việt Nam năm 2020, Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Chính phủ đã chủ động chuẩn bị sớm các gói kích thích kinh tế trước khi dịch lan truyền rộng, tương đối bám sát thị trường, ban hành nhiều gói hỗ trợ dưới các dạng khác nhau với dung lượng phù hợp với bản chất cũng như diễn biến dịch COVID-19 và khả năng của ngân sách nhà nước, chuẩn bị dư địa cho các hành động thích hợp và "vừa làm vừa rút kinh nghiệm".

Chính phủ cũng đã chủ động dùng các nguồn lực nhà nước trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là trong hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã linh hoạt chuyển các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công nhằm thúc đẩy đầu tư công nhanh chóng, có tác động lan tỏa nhanh, sâu rộng nhất và có tính thực thi cao nhất trong điều kiện dịch COVID-19.

Tuy nhiên, đối với gói hỗ trợ giảm, giãn thuế các bất cập chủ yếu mà các doanh nghiệp thụ hưởng phản ánh bao gồm: Việc hỗ trợ còn mang tính cầm chừng; mức độ hỗ trợ là không đủ, ít hơn nhiều so với nhu cầu doanh nghiệp khi bị dịch; thời gian thụ hưởng hỗ trợ là quá ngắn so với nhu cầu và tình hình hoạt động của doanh nghiệp...

Đề xuất yêu cầu phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19, Thạc sỹ Nguyễn Anh Dương (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, phát triển hạ tầng số là một yêu cầu bắt buộc để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế số.

Theo đó, Việt Nam cần có chính sách mở để thu hút, đưa các nền tảng công nghệ, dịch vụ lớn trên thế giới đặt tại Việt Nam, quản lý công bằng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài; hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý đối với tên miền quốc tế; xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả với nguy cơ dịch bùng phát trở lại ở Việt Nam./.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Đánh giá tác động kinh tế-xã hội của dịch COVID-19 tại Việt Nam