Chú trọng tăng “chất” của vốn đầu tư nước ngoài

(BKTO) - Cần phải có kế hoạch chiến lược mang tầm “quốc gia” - thống nhất và chỉ đạo từ Chính phủ trong công tác minh bạch các thủ tục đấu thầu, tinh gọn các thủ tục hành chính kinh doanh, hỗ trợ các thủ tục về pháp lý đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế mới, kinh tế sáng tạo, kinh tế số để có thể sẵn sàng chuyển hóa các cơ hội.




Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

Theo nhận định của các chuyên gia, 2020 là năm đánh dấu nhiều cột mốc mang tính “bước ngoặt” của Việt Nam. Sau những nỗ lực kiểm soát Covid-19 chủ động và bình tĩnh, Việt Nam được đánh giá là điểm đến tin cậy và là quốc gia thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ các DN nước ngoài như Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore… Tại thời điểm này, so với các nước khác trong Asean, Việt Nam được coi là một môi trường kinh doanh tiềm năng nhờ một nền chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn và là nơi sống lý tưởng cho người nước ngoài.

Cùng với đó, 2020 cũng là năm đánh dấu chặng đường 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong suốt thời gian qua, kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư. Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đã tăng hơn 170 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 77,6 tỷ USD vào năm 2019. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất khẩu có tốc độ tăng cao nhất của Hoa Kỳ trong các đối tác Đông Nam Á.

Trước đó không lâu, Bộ Công thương nhận định: “Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian gần đây đã giúp Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ. Thực tế, làn sóng chuyển dịch đầu tư của Hoa Kỳ sang Việt Nam đã bắt đầu diễn ra do tác động của cuộc chiến tranh thương mại và càng trở nên rõ rệt hơn khi Trung Quốc đang chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19”.

Việt Nam trở thành một trong những “ứng cử viên sáng giá” đón dòng vốn dịch chuyển này nhờ thành công trong ngăn chặn dịch bệnh. Các DN của Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam và con số này đang ngày một tăng thêm. Trong đó, không ít DN có kế hoạch đầu tư lâu dài hoặc chuyển hướng đầu tư từ các nước trong khu vực về Việt Nam. Cụ thể, Google và Microsoft (Hoa Kỳ) đang chuyển một số dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Tập đoàn Ford cũng quyết định gia tăng năng lực sản xuất bằng việc đầu tư nhà máy lắp ráp tại Hải Dương. General Electric (GE) cũng đã tăng vốn đầu tư vào nhà máy tourbin gió ở Hải Phòng và đang có nhu cầu mở rộng. Chính phủ Việt Nam đã cấp phép cho tập đoàn năng lượng lớn của Hoa Kỳ là AES được triển khai dự án khí LNG ở Sơn Mỹ.

Tuy nhiên, cơ hội này không chỉ dành riêng cho Việt Nam, một cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư đang diễn ra rất mạnh mẽ tại khu vực châu Á, đặc biệt là hai “ông lớn” đang muốn cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam là Ấn Độ và Indonesia và chắc chắn chúng ta cần phải “linh hoạt chuyển mình” hơn để có thể trở thành sự lựa chọn của các nhà đầu tư và DN nước ngoài. Những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư, DN nước ngoài nhờ vào tốc độ tăng trưởng GDP trung bình gần 7%/năm, với gần 100 triệu dân, thu nhập bình quân ngày càng tăng cũng sẽ là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho các DN Hoa Kỳ tại lĩnh vực y tế, giáo dục, viễn thông, bán lẻ, tài chính ngân hàng, năng lượng...

Nhận định về cơ hội dành cho Việt Nam trong thời gian tới, ông Terence Alford - Giám đốc Phòng Thị trường vốn và Dịch vụ Đầu tư Colliers International cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế đang diễn ra ở Việt Nam và đặc biệt là thị trường bất động sản nói chung sẽ dẫn đến sự phát triển bền vững của ngành bất động sản Việt Nam. Dòng vốn tài chính sẽ giúp hỗ trợ nhiều dự án khu dân cư và bất động sản công nghiệp quy mô lớn đang được lên kế hoạch trên khắp Việt Nam trong những năm tới. Vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam là đảm bảo thị trường bất động sản đang mở rộng có giá cả phải chăng cũng như được quy hoạch và thiết kế phù hợp. Khả năng chi trả sẽ là một trong những yếu tố chính để đảm bảo người dân có thể hưởng lợi từ thị trường bất động sản ngày càng mở rộng, nghĩa là tiền lương sẽ cần phải tăng theo lạm phát cho thuê trong những năm tới.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, với những nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, tạo mọi điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư, dù không tránh được ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tình hình hiện tại, Việt Nam cần nhìn nhận thu hút FDI sẽ là “đòn bẩy” và góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế. Vì thế cần phải có kế hoạch chiến lược mang tầm “quốc gia” - thống nhất và chỉ đạo từ Chính phủ trong công tác minh bạch các thủ tục đấu thầu, tinh gọn các thủ tục hành chính kinh doanh, hỗ trợ các thủ tục về pháp lý đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế mới, kinh tế sáng tạo, kinh tế số để có thể sẵn sàng chuyển hóa các cơ hội. Cần ổn định và nhất quán mức lương và chính sách tiền lương giữa các tỉnh, thành và khu vực.

Bên cạnh đó, các DN cần am hiểu hệ thống luật pháp, thị trường và tiêu chuẩn hàng hóa của Hoa Kỳ. Các DN cần nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu với chiến lược giá cả cạnh tranh, tận dụng tốt hệ thống phân phối, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt DN chú trọng tập trung cải cách, đầu tư và đào tạo nhân lực chất lượng cao để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Theo Thoibaonganhang
Cùng chuyên mục
Chú trọng tăng “chất” của vốn đầu tư nước ngoài