Chống biến đổi khí hậu: Hành động trước khi quá muộn!

(BKTO) - Theo giới quan sát, dường như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH) có nguy cơ bị lãng quên bởi rất nhiều nỗ lực đang được dồn vào để đối phó với Covid-19 - cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ. Nhiều năm qua, giới khoa học đã khuyến nghị các nhà lãnh đạo thế giới phải quyết liệt giải quyết khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, bất chấp những thỏa thuận quốc tế, chính phủ các nước vẫn chậm chạp trong thực thi các hành động cắt giảm khí thải.




Chống BĐKH cần sự nỗ lực liên tục và mạnh mẽ trong việc cắt giảm khí thải. Ảnh: TTXVN

Biến đổi khí hậu - mối đe dọa lớn nhất tương lai

Đại dịch Covid-19 khiến thế giới chao đảo khi vượt tầm kiểm soát của các quốc gia với số người chết kỷ lục và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhưng, chính Covid-19 cũng đang chứng minh rằng, thế giới hoàn toàn có thể thay đổi mạnh mẽ, bất chấp cả việc hy sinh lợi ích kinh tế để cứu mạng người.

Trước mắt, chính sách giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia nhằm đẩy lùi Covid-19 đã góp phần giúp khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm mạnh, chất lượng môi trường nhiều nơi được cải thiện. Tuy nhiên, về trung hạn và dài hạn, liệu các kế hoạch chấn hưng kinh tế hậu Covid-19 có khiến thế giới quay lại bám chặt lấy phương thức tăng trưởng dễ dãi dựa vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch - thủ phạm chính khiến trái đất nóng lên?

Theo chuyên gia cấp cao của Quỹ Bảo vệ môi trường Washington D.C - ông Ruben Lubowski, một cuộc suy thoái có thể sẽ làm phức tạp các chính sách môi trường vì lúc này vấn đề môi trường sẽ không còn được ưu tiên khi đặt cạnh vấn đề kinh tế. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres từng đưa ra khuyến cáo, sự bùng phát Covid-19 trên toàn cầu có thể tạm thời làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng sẽ không thể chấm dứt sự ấm lên của trái đất, thậm chí còn có thể khiến các quốc gia sao nhãng với cuộc chiến chống BĐKH.

Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, năm 2019 là năm nóng thứ hai được ghi nhận trong thập kỷ vừa qua cũng là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử loài người. Tình trạng nóng lên trên toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng.

Hồi đầu tháng 4, Chính phủ Anh công bố, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc về BĐKH (COP26) dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020 sẽ bị hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quyết định được các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về BĐKH (UNFCCC) đưa ra cùng với Anh và đối tác Italia. Trước quyết định này, Thư ký điều hành của UNFCCC - bà Patricia Espinosa - cảnh báo: Covid-19 là mối đe dọa khẩn cấp đối với nhân loại hiện nay. Tuy nhiên, thế giới không nên quên rằng, BĐKH là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại trong tương lai.

Cần nỗ lực cắt giảm khí thải liên tục và mạnh mẽ

Trong Báo cáo tài trợ cho phát triển bền vững 2020 vừa công bố, Ủy ban Các vấn đề kinh tế - xã hội Liên Hợp Quốc (UNDESA) đã cảnh báo: Các cú sốc về kinh tế và tài chính do Covid-19 gây ra đã khiến hoạt động tài trợ cho phát triển bền vững trở nên khó khăn hơn, làm giảm khả năng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Trên thực tế, cam kết chống BĐKH của chính phủ các nước đang đối mặt cùng lúc với hai cú sốc từ dịch Covid-19 và sự sụt giảm của giá dầu. Trong đó, giá dầu thấp có thể là nguyên nhân khiến các khu vực phát thải nhiều khí carbon như: Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ giảm động lực quay lưng lại với các loại nhiên liệu hóa thạch.

Theo Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015, các quốc gia cam kết sẽ tự nguyện giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 20C. Thỏa thuận cũng sẽ hướng các quốc gia tới mức tăng nhiệt độ an toàn hơn là 1,50C thông qua các kế hoạch giảm phát thải riêng lẻ NDC (quốc gia tự quyết định đóng góp).

Nhóm chuyên gia khí hậu quốc tế đã chỉ ra, nếu các nước không đạt được những mục tiêu đặt ra trong Hiệp định trên, kinh tế toàn cầu sẽ mất tới 126.000 - 616.000 tỷ USD vào cuối thế kỷ này. Thậm chí, việc Hoa Kỳ chuẩn bị rời khỏi Hiệp định Paris trong năm nay khiến thiệt hại về chi phí mà những quốc gia không tuân theo các cam kết NDC dao động từ 150.000 - 790.000 tỷ USD, gấp 7,5 lần tổng GDP toàn cầu hiện tại. Chưa kể, thế giới sẽ cần từ 18.000 - 113.000 tỷ USD đầu tư cho các nỗ lực chống BĐKH để có thể “hòa vốn”.

Chuyên gia địa chính trị, môi trường François Gemenne - thành viên nhóm Liên Chính phủ về BĐKH - khẳng định, cuộc chiến khí hậu sẽ chỉ thành công khi có các nỗ lực liên tục và mạnh mẽ trong việc cắt giảm khí thải. BĐKH là một sự thay đổi không thể đảo ngược. Không có vaccine chống lại BĐKH. Như vậy, cần có các biện pháp thay đổi về chiều sâu mang tính cấu trúc, một sự chuyển hoá về xã hội và kinh tế thực sự.

Hiện, nhiều cường quốc đã quyết định tung ra hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Theo ước tính, trung bình số tiền dự tính đầu tư để chấn hưng kinh tế tương đương khoảng 10 - 11% GDP (với EU, Hoa Kỳ hay khối G7). Tùy theo mỗi quốc gia, số đầu tư này gấp từ 2 - 10 lần so với khoản tiền dành cho việc chuyển sang kinh tế xanh (ước tính 1,5 - 2,5% GDP/năm). Theo các chuyên gia quan hệ quốc tế, Đại học Thuỵ Sĩ, cần nắm lấy cơ hội này để khiến một phần của các khoản đầu tư khổng lồ kia giúp chuyển hóa sang xã hội sinh thái.

Giới khoa học khuyến cáo, chấn hưng kinh tế không thể được thực hiện với cái giá phải trả là các tổn hại cho khí hậu, con người và đa dạng sinh học. Bài học về sự sẵn sàng ứng phó với Covid-19 ở các quốc gia đã chứng minh, mọi sự chậm trễ đều gây tổn thất nghiêm trọng về tính mạng và của cải. Bởi vậy, để tránh các cuộc khủng hoảng trong tương lai, chính phủ các nước phải nghĩ xa hơn việc mong đợi trở lại lối sống bình thường. Trong cuộc chiến chống BĐKH, hãy hành động trước khi quá muộn!.

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Giải pháp chính sách thận trọng  trong và sau dịch Covid-19
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Kinh tế Việt Nam quý I/2020 ít nhiều thể hiện sự suy giảm tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu, thu hút FDI... so với cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân chính là do những tác động của đại dịch Covid-19. Trong các quý tiếp theo, kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Khả năng ảnh hưởng còn phụ thuộc vào việc dịch bệnh kéo dài bao lâu và mức độ lây lan/khả năng phòng chống của các nước.
  • Luật PPP:  Cần cơ chế mở để thu hút đầu tư
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Với quan điểm cởi mở để hấp dẫn nhà đầu tư song phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, tại phiên thảo luận, cho ý kiến lần thứ 2 về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung trong Dự thảo Luật.
  • Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích  của người lao động
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Hệ thống pháp luật về lao động không ngừng được hoàn thiện theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động (NLĐ); Nhà nước đồng hành, lắng nghe nguyện vọng và kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho NLĐ… Những hoạt động thiết thực đó đã góp phần tạo niềm tin, khích lệ NLĐ vượt qua khó khăn, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
  • PETROVIETNAM: Chung sức cùng cộng đồng chống dịch
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) Dù trong bối cảnh ngành Dầu khí đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất lịch sử, người Dầu khí vẫn luôn phát huy tinh thần, văn hóa dầu khí, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.
  • Năm triệu người lao động đã bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong 4 tháng đầu năm, số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệch Covid-19 lên tới gần 5 triệu người. Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cũng là ngành nghề đang bị ảnh hưởng nặng nề khi nhu cầu về các sản phẩm này đều giảm mạnh.
Chống biến đổi khí hậu: Hành động trước khi quá muộn!