“Chèo lái” nền kinh tế với tâm thế chủ động, linh hoạt

(BKTO) - 8 tháng năm 2022, nền kinh tế của nước ta có bước hồi phục tích cực. Tuy nhiên, nội tại nền kinh tế còn hạn chế, cùng với đó, tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn những bất ổn. Bởi vậy, Chính phủ cần “chèo lái” nền kinh tế với tâm thế chủ động, linh hoạt và bài học từ thực tiễn được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đúc kết, đó là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như yếu tố “bất biến” để ứng với “vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế.



Mặc dù kinh tế 8 tháng năm 2022 có bước hồi phục tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ảnh sưu tầm

Kinh tế phục hồi tích cực

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, kết quả quan trọng nhất trong 8 tháng qua của Việt Nam là kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,3%. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 498 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ; xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%. Đặc biệt, thu ngân sách 8 tháng năm 2022 đã được hơn 1,2 triệu tỷ đồng, đạt 86% dự toán…

Nhờ những kết quả tích cực trên, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BA.3 lên BA.2, triển vọng xếp hạng được thay đổi từ tích cực sang ổn định. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế - cho rằng, sự phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa của Việt Nam ngày càng hiệu quả hơn, vừa đảm bảo ổn định vĩ mô và ổn định tài chính quốc gia, vừa tạo dư địa mở rộng chính sách trong trung hạn. Tuy nhiên, việc phối hợp và thực thi chính sách còn một số hạn chế, như: Một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (Nghị quyết 43) triển khai còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công cũng chậm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, mặc dù kinh tế 8 tháng qua có bước hồi phục tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là xung đột địa chính trị vẫn chưa dừng lại, giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực tăng cao, kéo theo lạm phát. Dịch bệnh Covid-19 của một số nước ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục điều chỉnh tăng lãi suất làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta trong ngắn hạn, trung và dài hạn, đặc biệt đối với hoạt động xuất, nhập khẩu và đầu tư… Trong khi đó, nội tại nền kinh tế vẫn còn hạn chế, cả trong triển khai thực hiện các gói chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43. Kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy, một số gói chính sách triển khai chậm như việc hỗ trợ nhà ở đối với người lao động, hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp (DN), người dân; chậm phân bổ vốn đầu tư trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; chậm giải ngân vốn đầu tư công; ảnh hưởng của giá cả hàng hóa, khả năng “nhập khẩu” lạm phát.

Tiếp tục hỗ trợ gia hạn thuế, phản ứng chính sách nhanh, linh hoạt

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, dự báo từ nay đến cuối năm, nền kinh tế tiếp tục phục hồi nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV/2022 và năm 2023. Nhiều tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 nhưng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam. Do vậy, cần theo dõi sát tình hình, chủ động trong công tác dự báo, tham mưu, điều hành; phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, điều hành giá và các chính sách vĩ mô khác. Đồng thời, phản ứng chính sách nhanh, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách theo hướng chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn... Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch ngân sách trung - dài hạn và lạm phát mục tiêu, điều hành theo lạm phát mục tiêu, từ đó có cơ sở đánh giá, lượng hóa chính xác hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ…

Theo PGS,TS. Nguyễn Trúc Lê và Nhóm Tư vấn chính sách của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn có nhiều nhưng để đảm bảo tính bền vững cho cân bằng tài chính quốc gia, cần xác định chiến lược dài hạn hơn cho các chính sách. Theo đó, nên tiếp tục hỗ trợ DN gia hạn thuế chứ không miễn giảm thuế bởi giảm thuế, giảm tiền thuê đất sẽ làm tăng gánh nặng cho ngân sách, nhất là với thuế thu nhập DN; không lựa chọn giảm thuế theo tiêu chí quy mô doanh thu như năm 2020 và 2021 vì có thể tạo ra bất bình đẳng khi hỗ trợ cả những DN đang được hưởng lợi từ dịch bệnh. Cùng với đó, các hỗ trợ trực tiếp cần chuyển dần sang hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ về tài chính chuyển sang hỗ trợ về cơ chế, hỗ trợ dàn trải sang hỗ trợ số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, bên cạnh việc thực hiện các gói miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và các gói hỗ trợ khác, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng, chuẩn bị phương án tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế, gồm thuế bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để trình Quốc hội kỳ họp tới. Bộ Tài chính luôn linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tài khóa để có phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống./.
THÙY ANH
Cùng chuyên mục
“Chèo lái” nền kinh tế với tâm thế chủ động, linh hoạt