Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động

(BKTO) - Hệ thống pháp luật về lao động không ngừng được hoàn thiện theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động (NLĐ); Nhà nước đồng hành, lắng nghe nguyện vọng và kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho NLĐ… Những hoạt động thiết thực đó đã góp phần tạo niềm tin, khích lệ NLĐ vượt qua khó khăn, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.



Người lao động được chăm lo, bảo vệ ngày càng tốt hơn

Hiến pháp năm 2013 quy định, Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Mặc dù trước đó, quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ đã được nhiều đạo luật ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện như: Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006… nhưng đây là lần đầu tiên, sự khẳng định nghĩa vụ của Nhà nước phải bảo vệ quyền của NLĐ đã được Hiến pháp ghi nhận và là hành lang pháp lý quan trọng để đưa ra các biện pháp bảo vệ NLĐ và bảo đảm thực hiện trong thực tế.

Cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 đã có nhiều quy định ghi nhận và bảo vệ nhiều hơn quyền lợi cho NLĐ. Trong đó, lần đầu tiên Bộ luật mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với người làm việc không có quan hệ lao động. Chế định về hợp đồng lao động cũng được quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với NLĐ, trong đó, NLĐ được bảo vệ bằng hợp đồng lao động trong nhiều trường hợp nhằm hạn chế tình trạng DN lách luật không ký hợp đồng để trốn tránh trách nhiệm với NLĐ; bỏ nội dung về hợp đồng mùa vụ, chỉ còn hai loại hợp đồng là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Theo đánh giá của các nhà làm luật, quy định này là tiến bộ lớn của pháp luật lao động nhằm bảo vệ NLĐ, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ bằng cách ký các loại hợp đồng mùa vụ, giúp NLĐ duy trì công việc ổn định hơn. Bên cạnh đó, Bộ luật cho phép NLĐ được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ có được cơ hội việc làm tốt hơn, phù hợp với bản thân…

Bộ luật cũng bổ sung quy định cụ thể hơn về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho NLĐ; mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể nhiều DN nhằm khuyến khích áp dụng các thỏa thuận có lợi hơn đối với NLĐ...

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, việc thường xuyên đối thoại, lắng nghe nguyện vọng và tháo gỡ khó khăn cho NLĐ cũng góp phần chăm lo và bảo vệ lợi ích của NLĐ. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập và đời sống của NLĐ, Chính phủ đã kịp thời ban hành gói hỗ trợ, nhằm phần nào chia sẻ những khó khăn cho NLĐ, bảo đảm an sinh xã hội. Sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành đã làm ấm lòng NLĐ, giúp họ có thêm niềm tin và hy vọng để vượt qua “cơn bão” đại dịch.

Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, không thể không nói đến vai trò của tổ chức công đoàn. Bởi đó là một trong những chức năng quan trọng, mang tính đặc thù riêng của Công đoàn Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của NLĐ.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, thời gian qua, việc thực hiện quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ đem lại những kết quả tích cực. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55% (giai đoạn 2014-2018), thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đã hướng dẫn, tư vấn cho đoàn viên, NLĐ về quyền, nghĩa vụ của NLĐ khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; đại diện cho tập thể NLĐ thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ. Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động; định kỳ tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ...

Hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn cũng có sự chuyển biến mạnh về chất, với nhiều chương trình thiết thực và hiệu quả vì người lao động. Đặc biệt, “Tháng công nhân” tổ chức hằng năm được người sử dụng lao động, NLĐ khu vực ngoài nhà nước tích cực tham gia. Năm nay, Tháng công nhân sẽ diễn ra từ ngày 01 - 31/5, với chủ đề “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt”, hướng đến vận động công nhân, lao động nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, góp phần nâng cao thu nhập của NLĐ. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, dịp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động hướng về NLĐ, kịp thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn đối với NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh; tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, đảm bảo quyền lợi đối với NLĐ bị ngừng việc do dịch Covid-19.

Đặc biệt, Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đang được xây dựng và dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Trong đó, một trong những mục tiêu trọng tâm của Dự án Luật sửa đổi lần này là xác định rõ vai trò, địa vị pháp lý, quyền và cơ chế đảm bảo để công đoàn thực hiện tốt chức năng trong thời kỳ mới; tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn thực hiện hiệu quả quyền, trách nhiệm của mình trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động