Cần hoàn thiện chính sách thuế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

(BKTO) - “Nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam” là chủ đề cuộc Hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (NIF) tổ chức ngày 11/3, tại Hà Nội.



Xây dựng chính sách theo thông lệ quốc tế

Tại Hội thảo, TS.Nguyễn Mạnh Hải- Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội của NIF cho biết, Việt Nam đã ban hành và áp dụng hầu hết các chính sách thuế liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trong đó có nhiều chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhận định này được đưa ra sau khi các chuyên gia của CIEM và NIF nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
                
   

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: H.Thoan

   
Kết quả nghiên cứu cho biết, nhiều nước đã miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải; ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ; ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhiều nước cũng áp dụng chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường. Cụ thể là áp thuế, phí môi trường đánh vào nguồn gây ô nhiễm, xả thải các-bon, đồng thời áp phí môi trường đánh vào người sử dụng và thuế, phí môi trường đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm.

Tại Việt Nam cũng đã có những chính sách khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh thông qua chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2014 đã quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải; áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam có chính sách áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới ứng dụng công nghệ cao; áp dụng thuế suất 17% trong 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, doanh nghiệp được miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 4 năm tiếp theo.

Ngoài ra, Việt Nam đã có chính sách khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh thông qua chính sách thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng…

Hơn nữa, để hạn chế nguy cơ gây hại đối với môi trường, Việt Nam cũng đã ban hành chính sách thuế bảo vệ môi trường (đối tượng chịu thuế là xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá và các loại túi ni lông, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng… thuộc diện hạn chế sử dụng); thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm gây ô nhiễm; áp dụng thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, nước thải, chất thải rắn, kèm theo đó là các chính sách thuế tài nguyên.

Còn nhiều bất cập cần giải pháp tháo gỡ

Thay mặt các chuyên gia trình bày kết quả nghiên cứu, TS.Nguyễn Mạnh Hải nêu đánh giá, chính sách thuế liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh ở Việt Nam bao gồm cả chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh; chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đến môi trường. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt… vẫn chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh. Chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường cũng chưa phù hợp với thực tiễn.
                
   

TS.Nguyễn Mạnh Hải - Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội của NIF trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: H.Thoan

   
Các chuyên gia chỉ ra rằng, số thu từ các sắc thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra.

         
Tổng thu thuế môi trường của Việt Nam vẫn rất thấp, chỉ khoảng 0,31% GDP (nguồn OECD, số liệu năm 2014), trong khi các nước như Ấn Độ chiếm khoảng 0,95% GDP, Trung Quốc khoảng 1,33% GDP, Hàn Quốc hơn 2,5% GDP, các nước Nhật Bản, Australia đạt lần lượt 1,48% GDP và 1,91% GDP. Tổng thu thuế môi trường của Việt Nam chỉ cao hơn Malaysia (0,24% GDP) và Philippines (0,21% GDP) trong số các nước khảo sát.
Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia của CIEM và NIF khuyến nghị, cần phải rà soát lại các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng xác định rõ mức ưu đãi và thời gian ưu đãi để đảm bảo thu hút có chọn lọc đầu tư vào phát triển ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao, khuyến khích sản xuất năng lượng sạch, phát triển vận tải công cộng.

Liên quan đến chính sách thuế bảo vệ môi trường, cần tăng mức thu đồng thời áp dụng kết hợp mức thu tuyệt đối và mức thuế suất theo tỷ lệ phần trăm; mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để bao quát hết các sản phẩm gây tổn hại đối với môi trường. Đối với chính sách phí bảo vệ môi trường, cần tiếp cận theo cơ chế giá thị trường, đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư tham gia thu gom, xử lý chất thải. Về chính sách thuế tài nguyên, cần hoàn thiện theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý (sản lượng tính thuế, giá tính thuế, thuế suất, công tác quản lý, chống thất thu thuế).

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị rất cụ thể về chính sách thuế đối với một số mặt hàng đặc biệt, lĩnh vực đặc thù. Chẳng hạn, về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, theo các nhà nghiên cứu, cần quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học bằng 50% của mức thuế suất đối với xăng khoáng nhằm tạo sự chênh lệch đáng kể giữa xăng sinh học và xăng khoáng; tiếp tục duy trì và tăng mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô, nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa này. Về chính sách thuế giá trị gia tăng, cần sửa đổi theo hướng quy định mức thuế suất 0% đối với dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố; vận chuyển hành khách bằng xe buýt, xe điện.
                
   

Đại biểu là Thư ký Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: H.Thoan

   
Đánh giá cao kết quả nghiên cứu và những đề xuất chính sách, tuy nhiên, các đại biểu, tham dự Hội thảo cho rằng, cần thiết kế các chính sách thuế theo lộ trình thích hợp để giảm thiểu tác động đến những người nghèo, người thu nhập thấp; cũng như đảm bảo tránh được tình trạng thuế chồng thuế. Đồng thời, cần phải nghiên cứu những tác động của các sắc thuế đối với năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam…

H.THOAN
Cùng chuyên mục
  • Quan hệ cổ đông giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 05/3, Tạp chí Nhà Đầu tư đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Tọa đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông doanh nghiệp ngành dầu khí” để các chuyên gia đầu ngành và lãnh đạo DN chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bài học thành công nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quan hệ nhà đầu tư với DN, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của DN.
  • Đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS): Doanh nghiệp băn khoăn khi phải áp dụng hai hệ thống kế toán
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo Đề án Áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, trong giai đoạn thí điểm áp dụng IFRS từ năm 2022 đến năm 2025, các DN vẫn phải thực hiện cả 2 hệ thống chuẩn mực IFRS và Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Các chuyên gia đều cho rằng, việc này khiến DN phải tốn kém chi phí.
  • Tìm đường mở rộng xuất khẩu cho nông sản Việt
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 40 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2019, xuất khẩu nông sản sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do phương thức sản xuất, tiêu thụ còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp; trong khi những thị trường lớn, nhiều tiềm năng luôn đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng. Vì vậy, việc tìm đường xuất khẩu cho nông sản vẫn là nỗi trăn trở lớn đối với các chuyên gia, nhà quản lý.
  • Tăng trưởng và nhân sự chất lượng là nền tảng của doanh nghiệp thịnh vượng
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tuy được đánh giá, xếp hạng trong Top 500 Doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng (BP500) năm 2019 nhưng các doanh nghiệp vẫn nhận thấy 5 thách thức lớn đối với tiềm năng tăng trưởng, triển vọng phát triển thành các “đại gia” của nền kinh tế.
  • Tương lai của ngành ngân hàng xoay quanh việc số hóa
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 6/3, tại Hà Nội, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ngân hàng của Tương lai” với sự tham gia của các chuyên gia PwC đang hoạt động tại Mỹ, Canada, Đông Nam Á, Hồng Kông, Nhật Bản cùng lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam.
Cần hoàn thiện chính sách thuế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững