Cần cơ chế phối hợp để xây dựng, vận hành hiệu quả Trung tâm đổi mới sáng tạo

(BKTO) - Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, việc hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Mục tiêu chính là tập trung nguồn lực phát triển theo kế hoạch định sẵn để tạo ra những giá trị mới có tính đột phá, cũng như ảnh hưởng sâu rộng đến một phần hoặc toàn bộ nền kinh tế. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.




Việc tổ chức Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam 2021 và khởi công Dự án cơ sở Trung tâm ĐMST Quốc gia tiếp tục thể hiện cam kết của Chính phủ đồng hành với DN và cá nhân ĐMST. Ảnh: ST

Xu hướng của các quốc gia phát triển trên thế giới

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, mạng lưới các trung tâm ĐMST và hệ sinh thái khởi nghiệp mỗi quốc gia được hình thành và phát triển khác nhau nhưng đều hướng tới tập trung nguồn lực để phát triển lĩnh vực chuyên ngành trong nỗ lực tối đa hóa hiệu quả hoạt động.

Tại Hàn Quốc, từ năm 2015, nước này đã thiết lập 17 Trung tâm Xúc tiến ý tưởng sáng tạo kinh tế khu vực (CCEI) với 18 văn phòng ở các địa phương nhằm hỗ trợ các DN khởi nghiệp ĐMST hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và CMCN 4.0. Mỗi CCEI điều hành một hệ thống hỗ trợ trực tiếp cho từng đối tượng trên cơ sở hợp tác với chính quyền địa phương/T.Ư và các tập đoàn lớn. Mỗi tập đoàn lớn đều được đề nghị tham gia vào 1 trong 17 trung tâm và tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Mô hình này giúp các DN khởi nghiệp và DN nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, hoạt động marketing, thậm chí cả hoạt động mua bán và sáp nhập trên cơ sở tận dụng lợi thế của các tập đoàn.

Còn tại Singapore, nước này hướng đến thành lập các trung tâm ĐMST cho từng ngành, lĩnh vực như: khu JTC LaunchPad@one-north gồm nhiều DN khởi nghiệp và dịch vụ hỗ trợ đi kèm để cung cấp cho các DN khởi nghiệp môi trường hiệu quả và hệ sinh thái phát triển thuận lợi; khu JTC LaunchPad@JID hỗ trợ các DN khởi nghiệp phát triển trong các lĩnh vực công nghệ sạch, chế tạo tiên tiến. Gần đây, Singapore đã hoàn thành Quận ĐMST JTC LaunchPad@Jurong giúp cung cấp không gian công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp và vườn ươm có năng lực.

Với Trung Quốc, trong kế hoạch “Made in China 2025”, Chính phủ nước này dự kiến thiết lập Mạng lưới các trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia. Mỗi trung tâm sẽ tập trung vào một ngành hoặc một lĩnh vực đóng vai trò đầu mối hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển đa ngành, đa lĩnh vực giữa các công ty, đơn vị học thuật và chính quyền, trong đó ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0. Ngoài các trung tâm ĐMST cấp quốc gia, Trung Quốc cũng hỗ trợ phát triển 48 trung tâm ĐMST hoạt động sản xuất cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này còn thành lập Khu trình diễn các sáng kiến ĐMST độc lập quốc gia để thực hiện các chương trình thí điểm, thu thập kinh nghiệm, trình diễn hoạt động sáng tạo độc lập và phát triển ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều đáng nói, các khu trình diễn có hướng phát triển khác nhau nhờ cơ chế quản lý ĐMST phù hợp với điều kiện riêng của từng địa phương.

Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, khuyến khích đổi mới sáng tạo

Học tập kinh nghiệm quốc tế để xây dựng, vận hành hiệu quả trung tâm ĐMST là yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Trung tâm ĐMST Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ “khai sinh” tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019. Đây là mô hình đầu tiên do Thủ tướng Chính phủ thành lập và khác với mô hình trung tâm phổ biến ở các nước trên thế giới chủ yếu do DN, tập đoàn thiết lập, thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển của DN.

Với ý nghĩa đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định Trung tâm được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất, thuận lợi nhất theo quy định hiện nay. Đây sẽ là nơi quy tụ các DN, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế, đưa các ý tưởng ĐMST vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù, từ đó hoàn chỉnh vòng kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm.

Phát biểu tại Lễ Khởi công Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) và khai trương Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam 2021 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc tổ chức Triển lãm và khởi công Dự án cơ sở Trung tâm ĐMST Quốc gia tiếp tục thể hiện cam kết của Chính phủ đồng hành với DN và cá nhân ĐMST. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, các cơ quan hoạch định chính sách và Trung tâm ĐMST Quốc gia nghiên cứu đề xuất chính sách, thể chế, khuyến khích và thúc đẩy ĐMST trong khu vực DN, nhất là lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo; phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho ĐMST, gắn các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu của DN và nền kinh tế; thúc đẩy liên kết các mạng lưới ĐMST trong và ngoài nước, trên cơ sở phát huy vai trò quan trọng của Trung tâm ĐMST Quốc gia.

Tại Tọa đàm về vai trò của trung tâm ĐMST trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, Phó Giám đốc hợp danh McKinsey Việt Nam Marcin Miller cho rằng, yếu tố then chốt là Việt Nam cần xây dựng một môi trường mà trong đó tất cả các chủ thể, các bên liên quan có thể phối hợp cùng nhau. Điều quan trọng là tất cả các bên liên quan đều phải có vai trò bằng nhau trong việc định hình lên trung tâm ĐMST quốc gia cũng như hệ sinh thái ĐMST quốc gia. Theo ông Marcin Miller, có 2 điều mà Việt Nam cần thực hiện, đó là thúc đẩy cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị tham gia và các DN Việt Nam phải thực sự tham gia đầu tư vào các giải pháp khoa học công nghệ.

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Cần cơ chế phối hợp để xây dựng, vận hành hiệu quả Trung tâm đổi mới sáng tạo