Cần bảo tồn, đầu tư nâng cấp, đảm bảo mục đích sử dụng của cầu Long Biên

(BKTO) - Trước thực trạng xuống cấp trầm trọng của cầu Long Biên (Hà Nội), các chuyên gia giao thông và nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, không gì có thể thay thế cây cầu này, cả ở giá trị văn hóa và chức năng giao thông. Do đó, cần thiết phải tiếp tục bảo tồn, đầu tư nâng cấp, đảm bảo mục đích sử dụng cây cầu.



                
   

Cầu Long Biên vẫn đang là trục giao thông huyết mạch, giao thương kinh tế, tạo thuận lợi đi lại cho người dân Thủ đô - Ảnh: vietnamplus.vn

   

Tuy xuống cấp nhưng vẫn là di sản quý giá

Long Biên là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, công trình nổi tiếng thế giới được xây dựng vào năm 1898, hoàn thành năm 1902 với lối thiết kế hiện đại, phục vụ đi lại cho cả phương tiện cơ giới và người đi bộ. Ngay từ thời kỳ đầu xây dựng, cây cầu đã để lại dấu ấn rất sâu sắc. Tuy nhiên, hiện nay, cầu Long Biên đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội, trước những nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) sau nhiều sự cố xảy ra gần đây.

Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên) Nguyễn Quốc Vượng cho biết, sau 120 năm sử dụng, trải qua 2 cuộc kháng chiến, gồng gánh những thương tích sau các trận đánh phá ác liệt của kẻ thù và sự tàn phá của thời gian, đến nay cầu Long Biên đang tự mình “già” đi, cũ kỹ, xuống cấp dù vẫn được các đơn vị quan tâm sửa chữa, duy tu, bảo trì.

Đặc biệt, trong tháng 5 vừa qua đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, đe dọa đến an toàn ATGT. “Trước thực trạng cầu yếu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu Long Biên là 15km/h (trước đây là 25-30km/h).

Cùng với đó, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải đang bố trí 50 cán bộ, công nhân viên chia làm 5 tổ phục vụ công tác quản lý, duy tu cầu Long Biên. Tuy nhiên, do cầu đã 120 năm tuổi, các kết cấu thép đã han gỉ, ăn mòn… đòi hỏi phải được sửa chữa lớn để đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua cầu” - ông Vượng thông tin.

Ông Vượng cũng cho biết, về kinh phí bảo trì cầu Long Biên, những năm gần đây đã được chú trọng, năm sau tăng hơn năm trước. Riêng năm 2022 đã được Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao 9,7 tỷ đồng, trong đó phần duy tu đường sắt hơn 7 tỷ đồng; phần bảo vệ, tuần cầu đảm bảo ATGT 1,3 tỷ và phần đường bộ 400 triệu đồng. Với lượng kinh phí như vậy, việc thực hiện duy tu bảo trì được thực hiện thông qua việc vá víu ổ gà, thay tấm đan… song chỉ đạt 30-45% nhu cầu thực tế.

Cần thiết phải giữ lại cầu Long Biên

Trước thực trạng xuống cấp của cầu Long Biên hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, không gì có thể thay thế cây cầu này, cả ở giá trị văn hóa và chức năng giao thông, do đó cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu.

Trưởng Phòng kết cấu hạ tầng (Sở GTVT Hà Nội) Trần Đăng Hải cho biết, cầu Long Biên hiện hữu luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi giai đoạn, thời kỳ. Hiện nay, mặc dù cầu đã quá tải, xuống cấp nhưng vẫn phục vụ giao thông qua lại cho người dân, giảm tải rất nhiều cho cầu Chương Dương.

Thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT hiện đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Trong đó có tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên có liên quan đến cầu Long Biên. Sau khi bàn giao xong, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu tuyến này, khi đó sẽ rõ định hướng ra sao với cầu Long Biên hiện hữu.

“Ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến Thủ đô. Do đó cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu” - ông Hải nhận định.

Là người dân gắn bó với Hà Nội từ tấm bé, chứng kiến những thăng trầm của cây cầu, nhà sử học Dương Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ lại cầu Long Biên hiện hữu. “Đã là cầu thì phải có hoạt động đi lại. Không đi lại thì cầu chỉ là cái xác công trình, là phế tích. Nhưng đi lại thế nào phải tính toán, phù hợp với thực trạng, tải trọng cầu và cả nhu cầu của người dân” - ông Dương Trung Quốc chia sẻ.

Với quan điểm này, ông Dương Trung Quốc cho rằng, phá đi thì dễ, dựng lại rất khó, nhất là với một di sản. Do đó, cần phải đầu tư nhiều hơn cho duy tu. Muốn vậy, Nhà nước nên có cái nhìn tổng thể, sao cho vừa bảo tồn được giá trị văn hóa phi vật thể cầu Long Biên, vừa phục vụ người dân đi lại, đồng thời phát triển được du lịch. Hà Nội nếu coi trọng giá trị này sẽ tìm được giải pháp tốt nhất cho cầu Long Biên.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) Bùi Khắc Điệp cho rằng, trong khi chờ định hướng rõ ràng với cầu Long Biên hiện hữu, cần tăng vốn bảo trì, đồng thời có dự án sửa chữa tổng thể cầu Long Biên để đảm bảo an toàn khai thác giao thông. Mặt khác, cần sớm đẩy nhanh việc xây dựng cầu mới thay thế để đáp ứng nhu cầu giao thông và giảm tải cho cầu Long Biên hiện nay./.
LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Cần bảo tồn, đầu tư nâng cấp, đảm bảo mục đích sử dụng của cầu Long Biên