Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022

(BKTO) - Trên cơ sở kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm và dự báo tình hình quý IV/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 8%, cao hơn khoảng 1,5-2% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023, với hai kịch bản tăng trưởng.



                
   

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt khoảng 8-8,2%. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính

   

Với Kịch bản 1, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8%, quý IV/2022 cần đạt mức tăng trưởng là 5,9%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ 0,3 điểm phần trăm, nhưng cao hơn tốc độ tăng của Quý IV/2021 (5,22%).

Với Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8,2%, Quý IV/2022 cần đạt mức tăng trưởng là 6,6%, trong mức tăng trưởng đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (6,2-6,7%), tương đương mức tăng trưởng bình quân quý IV các năm 2016-2020.

Để đạt mục tiêu phấn đấu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị, các Bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và 124/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng chống dịch Covid-19, Chỉ thị 15/CT-TTg về ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, bảo đảm dư địa nguồn lực, chính sách để ứng phó với những biến động trong trung và dài hạn của tình hình thế giới; cũng như tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 05 năm.

Theo đó, đối với các Bộ, cơ quan trung ương, cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19; điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để có phản ứng chính sách thống nhất, kịp thời, đáp ứng với điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ cần đặt trọng tâm vào kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp. Chính sách tài khóa, chính sách thương mại, xuất nhập khẩu và các chính sách khác là yếu tố quyết định đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều.

Đặc biệt, cần theo dõi sát diễn biến, tình hình thế giới, những vấn đề mới nổi, lạm phát và việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia, giá xăng dầu, khí đốt, vật tư chiến lược; chủ động dự báo, xây dựng kịch bản để có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh, nhất là lạm phát và các cân đối lớn; đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường để có giải pháp sản xuất, điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023…/.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022