5 năm cơ cấu lại ngân sách nhà nước: Cơ bản đạt được mục tiêu

(BKTO) - Sau 5 năm (2016-2020), việc cơ cấu lại NSNN đã cơ bản đạt được mục tiêu; bội chi ngân sách, chỉ tiêu an toàn nợ được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn mà Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm. Cơ cấu thuế trực thu, gián thu tích cực hơn, chi đầu tư phát triển đạt cao hơn kế hoạch; cơ chế quản lý ngân sách có đổi mới...




Giai đoạn 2016-2020, việc cơ cấu lại NSNN đã cơ bản đạt được mục tiêu. Ảnh minh họa

Cơ cấu thu bền vững hơn,chi đầu tư phát triểnđạt cao hơn kế hoạch

Theo Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) của Chính phủ, quy mô thu NSNN được cải thiện, cơ cấu thu bền vững hơn, tăng tỷ trọng thu nội địa; giảm tỷ trọng chi thường xuyên và tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Dự kiến, giai đoạn 2016-2020, quy mô thu NSNN bình quân đạt khoảng 24,5% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 23,6% GDP), vượt mục tiêu được Bộ Chính trị và Quốc hội đề ra, gấp 1,58 lần so với giai đoạn 2011-2015. Thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao, bình quân giai đoạn 2016-2019 khoảng 81,6% tổng thu NSNN, đến năm 2020 dự kiến đạt trên 84% (giai đoạn 2011-2015 là 68,7%). Giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ huy động vào NSNN ước đạt bình quân 24,5% GDP, cao hơn mức bình quân giai đoạn 2011-2015 (23,6% GDP).

Cơ cấu lại chi NSNN đã theo hướng ưu tiên dành nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tỷ trọng chi đầu tư phát triển thực hiện đạt 27 - 28% tổng chi NSNN (mục tiêu là 25 - 26%). Tỷ trọng chi thường xuyên giảm dần tương ứng từ mức 64,9% năm 2017 xuống còn 64% năm 2020.

Cùng với đó, bội chi NSNN đã được kiểm soát dần theo đúng chủ trương, định hướng; cơ cấu lại nợ công, bảo đảm an toàn nợ công, giảm áp lực trả nợ lên NSNN và bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,5% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép (giai đoạn 2011-2015 là 5,4% GDP).

Giai đoạn 2016-2019 đã quyết liệt giảm tốc độ tăng nợ công, kéo nợ công giảm từ 63,7% GDP năm 2016 xuống khoảng 55% GDP năm 2019; nợ Chính phủ giảm từ 52,7% GDP năm 2016 xuống mức 48% GDP năm 2019; nợ nước ngoài quốc gia giảm từ 49% năm 2017 xuống 47,1% năm 2019. Các chỉ tiêu này đều trong giới hạn cho phép. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khả năng thu ngân sách sẽ thấp hơn dự kiến; đồng thời, các chính sách hỗ trợ y tế, sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội sẽ phát sinh thêm yêu cầu tăng chi, dẫn tới tăng bội chi NSNN dự kiến khoảng 5% GDP. Theo đó, tỷ lệ nợ công năm 2020 có thể tăng lên khoảng 56,8% GDP nhưng vẫn trong giới hạn.

Thẩm tra Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách được tăng cường, cơ cấu thu bền vững hơn; việc cơ cấu lại NSNN cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra; bội chi ngân sách, chỉ tiêu an toàn nợ được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm. Cơ cấu thuế trực thu, gián thu tích cực hơn, chi đầu tư phát triển đạt cao hơn kế hoạch; cơ chế quản lý ngân sách có đổi mới, cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính được xếp thứ hạng cao.

Tiếp tục cơ cấu lại ngân sáchnhà nước theo hướngbền vững và phù hợp

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh: Thu NSNN chưa bền vững, số vượt thu ngân sách địa phương khá cao nhưng chủ yếu là các khoản thu từ vốn và thu từ đất đai có tính chất một lần; cơ cấu ngân sách trung ương (NSTƯ)/ngân sách địa phương trong tổng mức bố trí nguồn chi đầu tư phát triển chỉ đạt 40/60, không đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do thu NSTƯ những năm trước còn nhiều khó khăn, vai trò chủ đạo của NSTƯ trong đầu tư chưa được phát huy, trong lúc huy động nguồn lực ngoài ngân sách khó khăn dẫn đến một số dự án thiếu vốn, dở dang và tạo áp lực rất lớn cho giai đoạn tiếp theo. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN năm 2019 ước khoảng 18%; năm 2020, khả năng thu NSNN không đạt mục tiêu sẽ làm áp lực trả nợ tăng lên, tiến rất sát ngưỡng 25% đặt ra trong giai đoạn 2016-2020, cao hơn khá nhiều so với mức 15,8% cuối năm 2016.

Tình trạng thất thu thuế, nhất là ở khu vực ngoài quốc doanh chậm được cải thiện; công tác kê khai thuế, quản lý thuế đối với người nộp thuế là hộ kinh doanh còn không ít hạn chế. Nợ đọng thuế còn lớn, nhất là khoản thuế không có khả năng thu hồi. Cần phân tích, làm rõ nguyên nhân trong giao và thực hiện dự toán thu đối với 3 khu vực kinh tế quan trọng (DNNN, FDI và tư nhân) bởi thu từ nhóm này đều không đạt dự toán.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN đã giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao (giảm từ 64,9% tổng chi NSNN năm 2017 xuống 64% năm 2020). Việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội thiếu đồng bộ, chưa đủ nguồn lực, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu. Chi cho khoa học, công nghệ không đạt chỉ tiêu 2% tổng chi NSNN. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn hạn chế. Cần quan tâm, kiểm soát tình hình vay nợ nước ngoài của các DNNN và DN dân doanh.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu một số định hướng lớn cho giai đoạn 2021-2025, đó là: Tiếp tục cơ cấu lại NSNN theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm nguyên tắc chỉ vay nợ cho chi đầu tư phát triển. Xác định quy mô tăng thu ngân sách phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng thu, quy mô NSNN không thấp hơn 1,2 lần giai đoạn trước, dành ít nhất 27% chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên dưới 63% trong tổng chi. Đề xuất các chính sách đặc thù có tác động đến thu, chi NSNN cần được xem xét thận trọng, không làm tràn lan.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
5 năm cơ cấu lại ngân sách nhà nước: Cơ bản đạt được mục tiêu