3 kịch bản cho chứng khoán Việt Nam trong cú sốc Covid-19

(BKTO)- Đại dịch Covid-19 có thể gây ra một “cú sốc" lớn đối với nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính là một trong những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm.

   

Cú sốc kinh tế

Sự bùng nổ của dịch Covid-19 trên toàn cầu đã gây ra thách thức đáng kể cho nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới. Nếu các biện pháp không đủ mạnh, dịch bệnh có thể lây lan nhanh và gây quá tải hệ thống y tế địa phương, khiến người dân sợ hãi, qua đó, giảm đột ngột các hoạt động kinh tế hàng ngày, gây ra một cú sốc kinh tế.

Ngược lại, nếu các biện pháp phòng dịch quá khắt khe, người dân và các cơ quan Chính phủ có thể sợ các biện pháp hạn chế hơn chính căn bệnh này, cũng gây gián đoạn hoạt động kinh tế. Nói cách khác, sự cân bằng giữa các biện pháp chống dịch và mục tiêu kinh tế là khó đạt được tại thời điểm này, khi có quá nhiều bất ổn và không chắc chắn.

Tuy nhiên, khi so sánh giữa tình trạng kinh tế hiện tại với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 sẽ thấy điểm khác biệt rõ rệt đó là vấn đề ở thời điểm hiện tại không phát sinh từ bảng cân đối kế toán như năm 2008. Sự sụp đổ của giá tài sản trong 2008 và các khoản nợ dưới chuẩn mất khả năng thanh toán gây làn sóng suy thoái bảng cân đối kế toán.

Trong khi ở thời điểm hiện tại, vấn đề của DN gặp phải thực sự chỉ là khủng hoảng thanh khoản, không phải khủng hoảng khả năng thanh toán. Do đó, có thể nói một cách an toàn rằng khi đại dịch kết thúc, dòng tiền của các DN sẽ được khôi phục và họ vẫn có thể thanh toán các khoản nợ.

Ngoài ra, thời điểm này không có sản phẩm phái sinh phức tạp như CDO (nghĩa vụ nợ thế chấp) và CDS (hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng) như 2008. Các tài sản có chất lượng kém chủ yếu là cổ phiếu và trái phiếu có cấu trúc tương đối đơn giản, do đó có thể đo lường được.

Như vậy, vấn đề thực sự của cuộc suy thoái này là thiếu thanh khoản, cả về ý nghĩa thị trường tài chính và ý nghĩa hoạt động kinh tế thực sự. Mặc dù nhờ những nỗ lực chính sách tiền tệ kịp thời của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, có thể giải quyết vấn đề thiếu thanh khoản của thị trường tài chính, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, vấn đề thanh khoản còn nan giải bởi vì các chính sách tài khóa vẫn còn mơ hồ.

Kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam thì nếu áp dụng phương pháp tính hệ số P/E đã được điều chỉnh theo yếu tố chu kỳ của nền kinh tế (cyclical adjusted price-earnings ratio - CAPE) được phát triển bởi nhà kinh tế học từng đoạt giải Robel Robert Shiller, chúng ta có thể định giá chỉ số VN-Index trong mỗi kịch bản như sau:

Đối với kịch bản cơ sở: Nền kinh tế sẽ trải qua 3 quý tăng trưởng âm trước khi quay trở lại mức tăng trưởng chậm, tương đương với đợt suy thoái năm 2012 tại Đài Loan. Sử dụng định giá trong giai đoạn đó làm chuẩn và dự đoán cho đến hiện tại, giá trị hợp lý của chỉ số VN-Index sau khi các vấn đề thanh khoản được giải quyết sẽ nằm trong khoảng 672-692 điểm (hơn 2 ~ 5% so với mức giá đóng cửa ngày 24/3), và sau đó dần dần tiến về giá trị hợp lý dài hạn của chỉ số là 778 – 810 điểm khi nền kinh tế dần thoát ra khỏi suy thoái (mất 17 tháng sau cuộc suy thoái năm 2012).

Đối với kịch bản lạc quan: Các thị trường nhanh chóng hồi phục lại với thanh khoản dồi dào hơn so với trước khi Covid-19 diễn ra do các chính sách kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ đã được triển khai trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trong trường hợp như vậy, chỉ số VN-Index nhanh chóng hướng tới mức chỉ số giá trị hợp lý dài hạn là 778 - 810 điểm, cao hơn khoảng hơn 20% so với mức giá ngày 24 tháng 3.

Đối với kịch bản bi quan: Dù đại dịch Covid-19 là một sự kiện phi kinh tế, nhưng gây ra thiệt hại vĩnh viễn cho nền kinh tế, trong đó chỉ số VN-Index có thể giảm xuống mức định giá tương đương 2008, dự kiến đến vùng 515- 527 điểm (giảm 20% so với mức giá ngày 24 tháng 3).

Theo các chuyên gia nhận định: thuốc và vaccine sẽ không được phát triển nhanh chóng, nhưng chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ làm giảm nhẹ vấn đề về thanh khoản. Vì vậy, kịch bản cơ sở là có khả năng xảy ra nhiều nhất. Trong kịch bản này, ngoài giá thị trường chứng khoán đã hợp lý, trên thực tế, thị trường tài chính sẽ trải qua những thay đổi về cơ chế.

Nhận định về thị trường, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc nghiên cứu phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng: Đến thời điểm hiện tại, chúng ta không có đủ bằng chứng để chứng minh thế giới hậu đại dịch sẽ được theo sau bởi một xu hướng giảm hay không, nhưng chắc chắn một sự thay đổi mô hình trong đầu tư sẽ diễn ra. Theo đó, các nhà đầu tư chỉ có thể đầu tư vào các doanh nghiệp chất lượng mà họ có thể chắc chắn sẽ sống sót sau đại dịch. Có ba loại DN mà nhà đầu tư nên chú trọng: DN tăng trưởng (có định hướng phát triển rõ ràng không phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế); DN lớn (có nguồn lực và mạng lưới trên toàn thế giới để đa dạng hóa rủi ro); DN chất lượng (bảng cân đối lành mạnh và dòng tiền ổn định). Ngược lại, các DN mang tính chu kỳ sẽ có hiệu suất mờ nhạt trong một khoảng thời gian dài.

NAM SƠN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
3 kịch bản cho chứng khoán Việt Nam trong cú sốc Covid-19