160/250 công ty nông, lâm nghiệp đã sắp xếp, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới

(BKTO) - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 30) và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp diễn ra vào sáng 18/11, tại Hà Nội.



Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và sắp xếp DN; Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì Hội nghị.
                
   

Quang cảnh Hội nghị -Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, mặc dù còn những khó khăn, bất cập nhưng sau 5 năm triển khai sắp xếp, đổi mới, các công ty nông, lâm nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. tạo được tiền đề cho phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tính đến ngày 30/6/2019, đã có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành việc sắp xếp theo quy định, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, đạt 62,5%. Trong đó, chuyển thành Ban Quản lý rừng có 5 công ty (đạt 100%) tại Sơn La, Yên Bái, Đắk Lắk, Đắk Nông, Nghệ An; hoàn thành việc giải thể 13/28 công ty theo kế hoạch. Hiện còn 27/256 công ty chưa thực hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.

Đối với các công ty nông, lâm nghiệp sắp xếp, chuyển sang các mô hình hoạt động mới, đến nay, có 4 mô hình sắp xếp, đổi mới lại hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp đã được triển khai và bước đầu đã cho thấy những hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Điển hình như Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam trước khi cổ phần hóa vốn chủ sở hữu là 2.306 tỷ đồng, sau 4 năm tăng lên 4.387 tỷ đồng (tăng đến 190%); lợi nhuận trước khi cổ phần hóa là 164 tỷ đồng, sau 4 năm tăng lên 854 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, sau 5 năm triển khai việc sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp, nhiều mô hình công ty đã bước đầu có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số mô hình, nhất là mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên - một điểm mới của Nghị quyết 30, vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. Theo quy định của pháp luật, công ty nông, lâm thường chỉ thu hút cổ đông chiến lược khi tỷ lệ chi phối của Nhà nước từ 51% trở lên nhưng nhiều địa phương đề xuất giảm tỷ lệ này. Mặt khác, thủ tục giải thể nông, lâm trường còn nhiều vướng mắc và Nghị quyết 30 cũng không cho phép các công ty yếu kém phá sản.

Tại Hội nghị, nhiều địa phương cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Theo đó, tiến độ rà soát, cắm mốc, xác định ranh giới đất, cấp sổ đỏ đối với đất của các công ty nông, lâm nghiệp vẫn rất chậm, thiếu kinh phí triển khai; chưa giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với việc nợ đọng nghĩa vụ tài chính với NSNN (nợ thuế) của các công ty lâm nghiệp liên quan đến miễm tiền thuế đất sau khi có kết luận thanh tra, dẫn đến các công ty lâm nghiệp bị nợ lớn, âm vốn chủ sở hữu…
                
   

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả đã làm được trong sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp nhưng cũng chỉ ra nhiều khuyết điểm, hạn chế, nhất là về tiến độ thực hiện so với yêu cầu mà Nghị quyết số 30 đề ra.

Thủ tướng chỉ rõ sự chỉ đạo của các địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt. Có dư luận về một số trường hợp cố tình làm chậm, làm trái, còn tình trạng lợi ích nhóm, gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn lực, tài nguyên đất đai, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Phương án sử dụng đất các nông lâm trường theo Nghị quyết 30 là đến năm 2015 phải hoàn thành nhưng đến nay, vẫn còn 13 địa phương làm chưa xong, đây là khuyết điểm cần khắc phục...

Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, cần làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng nhận thức và thông tin tuyên truyền, nhất là cấp cơ sở. Xóa bỏ tư tưởng bao cấp, tư tưởng dựa vào đất đai của Nhà nước để làm lợi cá nhân mà Nhà nước không quản lý được. Phải có giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo việc làm, sinh kế cho đồng bào, nhất là người dân địa phương, tránh tình trạng đất do Nhà nước quản lý thì thừa nhưng người dân bị thiếu đất nghiêm trọng, phải đi làm thuê, làm mướn.

Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp; ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy hoàn thiện việc sắp xếp lại, nhất là giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện nay. Làm tốt công tác cán bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, làm sai, lợi ích nhóm, tham nhũng lãng phí, đặc biệt là đừng để tình trạng làm chậm chạp như thời gian vừa qua.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ lại và thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới các tổng công ty cà phê, cao su, lâm nghiệp vì đây là những DN rất lớn, quản lý nhiều đất đai, cần làm nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo đời sống, việc làm cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, các địa phương phải làm mạnh hơn, giải quyết các bất cập, nhất là bất cập về đất đai, chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính, đưa ra các phương án với từng lâm trường cụ thể.

LÊ HÒA

Cùng chuyên mục
160/250 công ty nông, lâm nghiệp đã sắp xếp, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới